Trước 4 phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, đa số các ý kiến giáo viên, học sinh và các nhà trường đều ủng hộ việc thi tốt nghiệp trung học theo phương án 2, tổ chức trong hai ngày rưỡi ngày.
Thi 2 ngày là quá căng thẳng
Năm nay, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc là toán và văn, học sinh được tự chọn thêm hai môn trong số 6 môn là sinh học, hoá học, vật lý, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Do các thí sinh sẽ chọn những môn thi khác nhau nên tuy mỗi em chỉ thi 4 môn nhưng tổng số môn mà hội đồng thi phải tổ chức là 8 môn.
Thời gian thi môn toán, văn là 120 phút; môn địa lý và lịch sử là 90 phút, các môn còn lại thi 60 phút.
Nguyên tắc tổ chức kỳ thi là mỗi môn sẽ thi vào một giờ khác nhau để tạo điều kiện cho thí sinh được thi môn mình chọn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 4 phương án tổ chức thi để lấy ý kiến dư luận. Trong đó, phương án 1 là thi 4 buổi trong 2 ngày, mỗi buổi có 2 ca thi. Phương án 2 thi 5 buổi trong 2,5 ngày. Phương án 3 là thi 3 ngày với 6 buổi. Phương án 4 thi trong 4 ngày với 8 buổi, mỗi môn một buổi. Thời gian cách giữa các ca thi là 75 phút.
Mặc dù Bộ dự kiến sẽ sắp xếp các môn thi xen kẽ giữa một môn xã hội và một môn tự nhiên để giảm thiếu số thí sinh có nhiều môn thi trong một ngày (vì thí sinh thường chọn theo một lĩnh vực), nhưng việc tổ chức đến 4 môn thi một ngày theo phương án 1 vẫn được cho là quá căng thẳng.
Em Phạm Anh Tuấn, học sinh trường Trung học phổ thông Quang Trung (Hà Nội) lo lắng nói: “Chúng em rất vui trước tin chỉ phải thi 4 môn, nhưng thi liền một mạch như thế rất áp lực. Trong ngày thi có môn bắt buộc là văn và toán, rất nhiều bạn sẽ phải thi thêm hai môn tự chọn nữa. Ba ca thi cho một ngày thực sự là quá tải, nhất là trong điều kiện mùa hè nóng nực.”
Chia sẻ vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức cho rằng, khi thi nhiều môn trong một ngày, lại có cả môn thi thời gian dài như toán, văn thì thí sinh sẽ phải chịu áp lực kép, trong đó áp lực từ kiến thức, khả năng làm bài có lẽ còn không lớn bằng áp lực tâm lý.
Cũng theo thầy Bình, với tần suất làm việc 4 môn một ngày, nhất là buổi có môn toán và văn, thì thí sinh khó một, cán bộ hội đồng thi khó mười lần. Cán bộ làm công tác thi muộn nhất 6 giờ sáng có mặt ở trường thi, sau đó hoạt động liên tục không ngừng nghỉ với guồng quay bàn giao đề thi, coi thi, thu bài, kiểm đếm từng bài, nộp bài thi, sau đó bố trí lại phòng thi, nhận một đề khác, rồi tiếp tục coi thi, thu bài…
“Giữa mỗi ca thi học sinh được nghỉ 75 phút nhưng cán bộ làm công tác coi thi hoàn toàn không được nghỉ phút nào. Đấy là chưa kể các trường hợp phát sinh cần xử lý thì có lẽ không đủ thời gian. Với guồng làm việc như thế thì không thể chắc chắn đảm bảo chất lượng làm việc và dễ nhầm lẫn, nhất là trong một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng tới từng chi tiết như thi tốt nghiệp,” ông Bình phân trần.
Chỉ nên tổ chức thi 2,5 ngày
Hai ngày là quá gấp gáp nhưng lãnh đạo các trường cũng cho rằng nếu kéo dài thi lên 3, 4 ngày là quá dài, mất thời gian và không cần thiết.
“Thi 4 ngày thì quá mệt mỏi. Tôi nghĩ 2,5 ngày là hợp lý,” Phó Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói.
Cùng ý kiến này và phân tích cụ thể hơn, cô Trần Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương (Thái Bình) cho rằng số thí sinh dự thi các môn lịch sử, địa lý, sinh học chắc chắn sẽ không nhiều, có thể chỉ một, hai phòng thi. Nếu kéo dài tới 4 ngày thi, thì trong những buổi thi các môn có một vài phòng thi sẽ rất lãng phí vì vẫn phải có một đội ngũ ban bệ đầy đủ hội đồng coi thi, lực lượng phục vụ, y tế, an ninh… túc trực. Số cán bộ làm công tác thi có lẽ còn nhiều hơn số thí sinh.
Trên thực tế, đã có khá nhiều trường tổ chức công tác khảo sát ý kiến học sinh về việc chọn môn thi. Tại trường Trung học phổ thông Việt Đức, môn thi được chọn nhiều nhất là ngoại ngữ với tỷ lệ 62,2%, tiếp đó là vật lý với 53,8%, hoá học chiếm 45,1%, địa lý chiếm 20,5%. Hai môn sinh học và lịch sử được học sinh lựa chọn ít nhất với tỷ lệ lần lượt là 6,6% và 4,6%. Với tỷ lệ này, toàn trường chỉ có 33 em dự thi môn lịch sử trên tổng số khoảng 700 học sinh lớp 12. Theo quy định của Bộ, mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh. Như vậy, trường sẽ chỉ có 2 phòng thi môn lịch sử.
“Tuy nhiên, đó là dự kiến của các em thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ đến kỳ thi thì có thể số lượng học sinh chọn môn lịch sử sẽ còn ít hơn nữa,” thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Theo thầy Bình, trong các môn thi, chỉ môn toán và văn là có thời gian thi dài. Quy định cũ là 150 phút, nay Bộ đã rút xuống còn 120 phút. Các môn còn lại đều thi ít thời gian hơn, 60 hoặc 90 phút.
“Tôi đồng ý với phương án 2 của Bộ là thi 5 buổi, trong 2,5 ngày. Hai môn toán và văn nên tách ra mỗi môn một buổi riêng. Với các môn thi ngắn có thế ghép hai ca một buổi vì cả cán bộ coi thi và học sinh đều có nhiều thời gian hơn,” thầy Bình nói.
Đối với các trường khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa thì việc tổ chức thi tốt nghiệp phức tạp hơn vì điều kiện đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường nhỏ lẻ không đủ điều kiện tổ chức thi riêng mà thí sinh phải vượt cả chục cây số đường rừng để thi liên trường.
“Chúng tôi cũng nghĩ 4 ngày là quá dài, vất vả cho việc đi lại của các em, còn 2 ngày thì quá gấp. Điện Biên đang định kiến nghị với Bộ tổ chức thi trong 2,5 ngày hoặc 3 ngày” ông Phạm Quang Tể, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nói./.