Hiện nay, ngành công nghiệp dược của Việt Nam đã có bước phát triển, với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP, nhiều sản phẩm dược Việt Nam đã xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khi phân tích về thị trường thuốc hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quan điểm cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước chưa chiếm lĩnh được sân nhà và cần đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển nhiều loại thuốc mới.
Người Việt vẫn sính thuốc ngoại
Tại buổi lễ công bố Lễ ra mắt chương trình truyền thông “con đường thuốc Việt,” tổ chức sáng 20/12 tại Hà Nội, thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho thấy, bình quân mỗi người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng/người/năm, nhưng hơn1/2 trong số đó là chi cho mua thuốc ngoại.
Đặc biệt, tâm lý và thói quen sử dụng thuốc ngoại từ cả bác sỹ kê đơn đến người bệnh khiến cho chi phí bệnh tật trở lên nặng nề hơn.
Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, thị trường thuốc Việt Nam đã cán mốc 3 tỷ USD. Công nghiệp dược nội địa đã có bước phát triển với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP, nhiều sản phẩm dược Việt Nam đã xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, rất nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất, nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm để xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Cường khẳng định khi đánh giá về giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng cả ở bệnh viện cũng như trên thị trường tự do đều chưa cao, chỉ xấp xỉ 48% tổng trị giá thị trường.
Tại những bệnh viện tuyến cuối, có một thực tế cho thấy là thuốc nội được sử dụng khá khiêm tốn. Vì những bệnh nhân ở đây đa phần trong tình trạng nặng, nên cần thuốc tốt và chuẩn xác.
Đơn cử, phó giáo sư Lê Thanh Hải Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại bệnh viện, tỷ lệ thuốc nội sử dụng trong bệnh viện chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, 1/10 trong tổng số các loại thuốc được dùng. Nhưng trong thời gian tới, số thuốc nội sẽ được bệnh viện điều chỉnh để tăng lên.
Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực, tỷ lệ sử dụng thuốc nội lại khả quan hơn nhiều.
Tiến sỹ Trần Viết Tiệp - Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho hay, tại bệnh viện tỷ lệ dùng thuốc nội chiếm khoảng 40-50%. Những loại thuốc được dùng phổi biến như kháng sinh, giảm đau và các loại thuốc bổ trợ khác...
Phân tích về thuốc nội, ông Tiệp cho hay, mặc dù thuốc nội chiếm khoảng 40-50% số lượng thuốc dùng tại bệnh viện, nhưng chi phí rẻ hơn rất nhiều, chỉ chiếm tới khoảng 30% toàn bộ tổng chi phí tiền thuốc của toàn bệnh viện. Đó là những ưu điểm tiết kiệm chi phí do thuốc nội mang lại nhưng hiệu quả điều trị vẫn cao.
Thuốc nội: Chưa hấp dẫn
Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý Dược cho biết, hiện tỷ lệ thuốc nội được kê ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ khoảng 12%, ở tuyến tỉnh là 34% còn tuyến huyện khoảng 62%.
Lý do vì số mặt hàng thuốc thiết yếu chưa nhiều, niềm tin của người sử dụng thuốc với thuốc nội chưa cao, vẫn còn tâm lý sính ngoại...
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, qua triển khai thông tư về đấu thầu thuốc thì tỷ lệ thuốc nội trúng thầu vào các bệnh viện có tăng lên. Hiện các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đã sản xuất được hầu hết mặt hàng thuốc theo phân nhóm dược lý nhưng xét về việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu thì chưa đạt. Đây là một khó khăn trong việc nâng tỷ lệ thuốc nội vào bệnh viện.
Phân tích về nguyên nhân để doanh nghiệp thuốc Việt tạo dựng được chỗ đứng trong nước Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Với doanh nghiệp, nếu muốn không bị thua trên sân nhà thì cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới. Chúng ta không thể để sản phẩm phải mới mãi chỉ có thuốc nang, trùng nhau giữa các doanh nghiệp mà cần đầu tư vào nghiên cứu. Hiện nay, nhiều mẫu bao bì thuốc của Việt Nam chưa hấp dẫn."
Bà Tiến dẫn chứng, một doanh nghiệp dược của Pháp, trong một năm họ có ít nhất 2.000 thử nghiệm, tương đương với 2.000 thuốc mới sẽ ra đời.
“Chúng tôi cách đây vài năm đã khuyến khích rất nhiều đề tài để phát triển công nghiệp dược liệu nhưng số thuốc mới rất hiếm, số thuốc mới của Việt Nam rất ít. Do vậy, doanh nghiệp dược của Việt Nam tự khẳng định mình bằng dầu tư vào nghiến cứu sản phẩm mới và thiết kế bao bì cho hấp dẫn hơn,” bà Tiến cho hay.
Phó giáo sư Lê Thanh Hải Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích, nguyên nhân thuốc Việt khó vào tuyến trung ương do tuyên truyền chưa sâu rộng, tâm lý người dân luôn sính ngoại.
Vì vậy dẫn đến tình trạng có những loại thuốc tương đương của Việt Nam rất tốt nhưng người dân vẫn thích dùng thuốc của nước ngoài.
Lối thoát cất cánh cho thuốc nội
Bàn về những giải pháp nhằm tạo cơ hội “cất cánh” cho những doanh nghiệp sản xuất thuốc nội, người đứng đầu ngành y tế khẳng định, việc triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành Dược Việt Nam phát triển một cách bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định.
Thêm vào đó, vị Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, trong họp chính phủ, Bộ Y tế đang đề nghị tăng mức chi quảng bá, hoa hồng cho các doanh nghiệp thuốc nội. Bởi hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài chi quảng bá, hoa hồng tới mức 30%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức từ 5-10% nên không thể cạnh tranh được.
Vừa qua, Chính phủ đồng ý sẽ nâng 15% chi cho tiếp thị, quảng bá và các chi phí khác. Đó cũng là cách để thuốc Việt Nam được tiếp thị nhiều hơn.
“Thuốc Việt nếu muốn đứng trên thị trường thì điều này phụ thuộc vào chính vai trò của nhà sản xuất, doanh nghiệp phải chứng minh được thuốc của mình chất lượng tốt, hiệu quả điều trị tốt, ít tai biến. Nếu thuốc việt đảm bảo được chất lượng trong công tác điều trị thì tôi tin chắc rằng các bệnh viện sẽ ưu tiên,” ông Hải thẳng thắn thừa nhận.
Về văn bản chính sách, bà Tiến cho hay, Bộ Y tế sẽ ban hành tiếp thông tư về quy trình đăng ký số thuốc lưu hành để đơn giản nhất thủ tục nhằm công khai minh bạch, không kéo dài, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Trong chính sách nhập khẩu thuốc, bà Tiến kiến nghị với những thuốc mà doanh nghiệp dược Việt sản xuất được thuốc sinh học tương đương, hoặc thuốc chất lượng không kém thuốc ngoại mà đã có trong thị trường thì nên chăng các cơ quan quản lý khi xem xét các đơn hàng nhập khẩu nước ngoài, cơ quan cấp phép, doanh nghiệp nên có những cơ chế riêng để ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước./.