Thị trường hàng hiệu trên thế giới bước vào cung trầm

Công ty tư vấn Bain & Co, có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), dự báo doanh số bán hàng xa xỉ trên quy mô toàn cầu ước chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2016, so với mức tăng 1,5% trong năm 2015.
Một người đàn ông bên ápphích quảng cáo bên ngoài cửa hàng Louis Vuitton ở Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Công ty tư vấn Bain & Co, có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), dự báo doanh số bán hàng xa xỉ trên quy mô toàn cầu ước chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2016, so với mức tăng 1,5% trong năm 2015.

Claudia d'Arpizio, đối tác của Bain & Co và là người đứng đầu nhóm tác giả của nghiên cứu về thị trường xa xỉ phẩm, cho rằng 2016 sẽ là cung trầm của lĩnh vực này.

Trong năm nay, ngành xa xỉ phẩm đang chịu tác động từ sự suy giảm số du khách tới châu Âu do các vụ tấn công khủng bố, hoạt động giao dịch “trì trệ” tại Đặc khu hàng chính Hong Kong (Trung Quốc), nhu cầu yếu đi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự “thờ ơ” của thị trường Mỹ.

Bain & Co nhận định các khách hàng tại Mỹ có tâm lý chờ đợi và nhu cầu tại thị trường này sẽ hồi sinh vào năm tới khi cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc.

Bain & Co cũng cho rằng nhu cầu tại Trung Quốc đại lục sẽ cải thiện, khi chênh lệch về giá với các khu vực như châu Âu thu hẹp lại.

Ước tính chênh lệch về giá hàng xa xỉ giữa châu Âu và Trung Quốc đã giảm xuống 35%, so với mức chênh khoảng 70% cách đây hơn một năm và có thể giảm giảm xuống 25% trong ngắn hạn.

Thống kê cho thấy khoảng 80% hàng xa xỉ phẩm của Trung Quốc được mua ở nước ngoài và theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, số tiền người Trung Quốc chi tiêu ở nước ngoài trong năm 2015 vào khoảng 184,5 tỷ USD. Các mặt hàng xa xỉ phẩm mà người Trung Quốc mua có trị giá khoảng 116,8 tỷ USD, trong đó có tới 91 tỷ USD chi ở nước ngoài.

Việc người Trung Quốc mua sắm ở nước ngoài đã khiến chính phủ nước này bị thất thu thuế và cũng không khuyến khích được hoạt động tiêu dùng trong nước, nhất là với các mặt hàng cao cấp.

Trước tình hình này, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng phí đối với các gói hàng được đặt từ nước ngoài và “mạnh tay” với những người buôn lậu hàng xa xỉ, trong nỗ lực nhằm khuyến khích hoạt động mua sắm trong nước và siết chặt thị trường không chính thức mà người mua lựa chọn để tránh thuế.

Trong khi đó, Singapore, một trong những “thiên đường mua sắm” lớn nhất châu Á, đang trải qua giai đoạn khó khăn do sự yếu kém của nền kinh tế trong nước và mức chi tiêu của du khách sụt giảm.

Tình trạng ì ạch của nền kinh tế thế giới đang hạn chế mức chi tiêu của người dân, chi tiêu mua sắm của người nước ngoài tại Singapore trong các tháng 1-9/2015 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Tầng lớp người giàu Trung Quốc, thường đến Singapore để mua sắm, giờ đây đang chịu tác động tiêu cực từ tình trạng kinh tế suy giảm và chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh.

Bên cạnh đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hoạt động bán hàng xa xỉ phẩm còn chịu tác động tiêu cực bởi sự gián đoạn hoạt động du lịch tại Paris (Pháp) sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 năm ngoái.

Một yếu tố nữa "làm khó" các nhà sản xuất hàng xa xỉ phẩm là giới tiêu dùng Nga và Trung Đông đua nhau "thắt chặt hầu bao," do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine và giá dầu thế giới sụt giảm mạnh.

Theo Bain & Co, đà tăng trưởng của thị trường xa xỉ phẩm cá nhân có trị giá hơn 250 tỷ euro (285 tỷ USD) sẽ phục hồi vào năm 2017, nhờ nhu cầu gia tăng tại Mỹ và Trung Quốc.

Dự báo lĩnh vực xa xỉ phẩm cá nhân sẽ tăng trưởng 2-3% trong 5 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục