Giá khí đốt hóa lỏng (LNG) của châu Á có thể giảm 25% trong những tháng sắp tới, khi sự xuất hiện của các nguồn cung mới, nhu cầu tiêu thụ yếu và giá dầu thế giới "tuột dốc" đã đưa LNG cùng với quặng sắt và than đá trở thành mặt hàng rớt giá tồi tệ nhất trên thị trường trong mấy năm gần đây.
Hiện thị trường LNG châu Á đã rơi vào tình trạng tệ hại hơn cả thị trường dầu mỏ, với giá LNG giao ngay giảm 60% kể từ năm 2014, xuống còn 8 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh, chấm dứt một nửa thập kỷ mặt hàng này luôn duy trì ở mức giá cao.
Công ty năng lượng lớn nhất Australia Woodside Petroleum dự báo giá LNG sẽ vẫn duy trì ở mức thấp tới năm 2016.
Trong lúc nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn khá mạnh, nhóm nghiên cứu Energy Aspects dự báo rằng hoạt động nhập khẩu LNG của châu Á sẽ giảm 8,5% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, do tăng trưởng kinh tế khu vực này chậm lại. Thêm vào đó, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino và các điều kiện tiêu cực khác cũng có thể ảnh hưởng tới giá mặt hàng này.
Lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong vài năm vừa qua cũng giảm đáng kể, từ mức tăng hai con số xuống -3% trong nửa đầu năm 2015.
Đối với Nhật Bản, nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân cũng đang khiến thị phần LNG bị sụt giảm. Trong khi nhập khẩu LNG của Hàn Quốc cũng giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại và sản lượng điện hạt nhân gia tăng.
Bất chấp nhu cầu tiêu thụ yếu, sản lượng LNG trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Sau khi đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án LNG, xuất khẩu mặt hàng này của Australia có xu hướng gia tăng mạnh, sẽ đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trước năm 2020, xếp trên Qatar.
Việc Australia tăng mạnh sản lượng LNG diễn ra khi Mỹ lên kế hoạch xuất khẩu LNG lần đầu tiên vào cuối năm nay./.