Thị trường lao động TP.HCM thích ứng dịch: Xây dựng nền tảng bền vững

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh,trong đó doanh nghiệp giữ vai trò then chốt, người lao động là vốn quý, cung-cầu lao động phù hợp điều kiện mới.
(Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động đối mặt với nhiều rủi ro, buộc họ phải thay đổi để thích ứng, an toàn, hòa nhập trong môi trường “bình thường mới.”

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò then chốt, người lao động là vốn quý, cung-cầu lao động phải phù hợp với nhiều điều kiện mới.

Hoàn thiện các chính sách lao động-việc làm

Thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trực tiếp và gây tổn thương khá nặng nề với quy mô khoảng 50-60% người lao động.

Trên 50% người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng mất việc làm, giảm thu nhập. Đặc biệt, trong quý 3/2021, dịch bệnh khiến sụt giảm lao động việc làm rất lớn, nhất là cuối thời kỳ giãn cách xã hội; thu nhập bình quân của người lao động tại thành phố giảm đến 40% so với bình quân trên cả nước.

Để giải quyết bài toán cung cầu lao động trong điều kiện “bình thường mới,” tiến sỹ Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách dành cho doanh nghiệp và cả người lao động.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp cần nới lỏng các quy định về lao động; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ thanh khoản, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế cá nhân, thuế đất đai; hỗ trợ về vốn-tín dụng; về an sinh xã hội…

Đối với người lao động, cần cung cấp việc làm thông qua các dự án công, giảm thuế; hỗ trợ đào tạo, tìm việc làm; trợ cấp thất nghiệp, tiền lương; chú trọng các chính sách tạo việc làm, an sinh xã hội; đẩy mạnh truyền thông kết nối cung cầu lao động; nâng cao nhận thức, tâm lý làm thay đổi hành vi, xây dựng lòng tin, tạo những quy chuẩn chung, hướng đến tác phong công nghiệp trong lao động.

Khảo sát từ nhiều doanh nghiệp, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những tháng giãn cách vì dịch COVID-19 là quãng thời gian khó khăn đối với cả người lao động và doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thâm dụng lao động.

[Thị trường lao động thích ứng với dịch: Nỗ lực vượt qua khó khăn]

Ngoài việc hàng loạt đơn hàng bị hủy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động thông qua các hoạt động phòng, chống dịch hoặc duy trì mức lương cơ bản tối thiểu vùng dù người lao động không làm việc.

Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, một nguyên nhân khiến người lao động không quay trở lại, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động là do chế độ lương thưởng không đủ hấp dẫn, người lao động chưa được đảm bảo đời sống.

Việc công ty thực hiện các chế độ, chính sách trên không chỉ để hỗ trợ mà còn động viên người lao động tiếp tục gắn bó đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Doanh nghiệp cần có cái nhìn đúng, đủ về vai trò của người lao động; cần đưa ra kế hoạch cụ thể, nhất là vấn đề lương, thưởng để người lao động an tâm, ổn định cuộc sống; những chính sách kích thích sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho rằng để doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định, phát triển bền vững trong điều kiện “bình thường mới” phải chú trọng tổ chức sản xuất, chăm lo, giữ chân người lao động và thu hút lao động mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, khôi phục lại thị trường, phải giữ cả đầu vào, đầu ra để thúc đẩy tăng trưởng nhanh.

Tương tự, việc hỗ trợ tiền mặt từ các doanh nghiệp hay các gói an sinh xã hội vào thời điểm khó khăn nhất chỉ là trước mắt, về lâu dài doanh nghiệp cần sớm có các chính sách, tổ chức hoạt động ổn định, người lao động có việc làm và thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Đây là cách giữ người lao động ở lại thành phố hiệu quả nhất.

Ở góc độ thành phố, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, các cấp ngành thành phố đã đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đồng thời, tổ chức nhiều đoàn đi đến các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, động viên, tạo cơ hội cho người lao động trở lại thành phố làm việc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cùng các tổ chức đoàn thể chủ động liên lạc với người lao động; Sở Giao thông Vận tải, Y tế phối hợp tổ chức đón người lao động trở lại và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức hỗ trợ miễn, giảm chỗ ở cho người lao động trở lại làm việc; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu lao động giữa các ngành, các tỉnh, thành phố.

Nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển kinh tế

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, việc thiếu hụt lao động hiện nay không nhiều, song một số doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động có thời hạn và tuyển dụng thường xuyên. Thực tế, nhiều người lao động vẫn chưa tìm được việc làm theo yêu cầu, ngược lại nhiều doanh nghiệp cũng chưa tìm được nguồn lao động do chưa có điểm tương đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu tuyển dụng hiện nay chủ yếu tập trung ở các ngành thâm dụng lao động hoặc bán hàng, chăm sóc khách hàng, nhân viên kinh doanh, lao động phổ thông, việc làm thời vụ.

Những lĩnh vực, ngành nghề kỹ thuật hay chuyên ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, năng lực, tay nghề gần như ổn định, ít có biến động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất ít.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), năm 2022, thị trường lao động Thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có hơn 4,9 triệu lao động làm việc, tập trung ở ngành thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp ước khoảng 3,1 triệu người.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Falmi cho biết dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000-280.000 chỗ làm; trong trường hợp tình hình diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhu cầu nhân lực cần khoảng 280.000- 310.000 chỗ làm.

Ở góc độ khác, Tiến sỹ Trần Mỹ Minh Châu, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) nhận định, tình hình lao động việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi so với trước đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

Lực lượng lao động ở thành phố (kể cả ngoại tỉnh và tại địa phương) dự báo sẽ thu hẹp hơn so với trước đây. Hai nhóm dân số sẽ rời khỏi thị trường lao động cao nhất là giới trẻ từ 15-24 tuổi và nữ giới.

Về việc làm và thất nghiệp, tiến sỹ Trần Mỹ Minh Châu cho rằng trong thời gian tới, tổng số giờ làm và mức lương của người lao động sẽ thấp hơn so với trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất được dự báo là ở giới trẻ và nữ giới; nhóm lao động chịu ảnh hưởng dịch bệnh trong thời gian tới là nữ giới, lao động trung niên và lao động giản đơn không có tay nghề chuyên môn kỹ thuật.

Theo Tiến sỹ Trần Mỹ Minh Châu, lao động làm công ăn lương ngày càng giảm, lao động tự làm sẽ tăng. Điều này cũng đặt ra bài toán về phúc lợi xã hội đối với các địa phương, nhất là khi số lao động được ký hợp đồng sẽ giảm và ngược lại số lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ tăng.

Về khả năng phục hồi việc làm trong các ngành kinh tế, Tiến sỹ Trần Mỹ Minh Châu cho rằng 3 nhóm ngành gồm công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và phát triển công nghệ khả năng phục hồi rất nhanh và sớm bao phủ do ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhóm ngành phục hồi nhanh là giáo dục, y tế, hoạt động phục vụ, dịch vụ gia đình, kinh doanh bất động sản, xây dựng. Nhóm ngành phục hồi chậm là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy, vận tải, kho bải dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Theo khuyến cáo của đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), triển vọng phục hồi việc làm là thách thức không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần được quan tâm; đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương, nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Đào tạo lại hay đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã và đang hạn chế các cơ hội phát triển, tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng của người lao động khi thị trường việc làm đang bị thu hẹp," đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 1 (đến hết năm 2022), trong đó tập trung khắc phục các hệ lụy, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19…

Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đang bước vào một mùa Xuân mới, không khí sản xuất, kinh doanh hết sức nhộn nhịp, khẩn trương, các doanh nghiệp, người lao động đang ngày đêm lao động miệt mài, không chỉ để giải quyết bài toán cung cầu, thị trường dịp Tết mà mục tiêu lớn hơn của mỗi người là làm việc nhiều hơn, khẩn trương hơn để bù đắp cho quãng thời gian dài giãn cách xã hội vì dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục