Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng nhẹ, càphê quay đầu giảm

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng nhẹ ở một số địa phương, trong khi đó, mặt hàng càphê lại quay đầu giảm giá.
Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. ( Ảnh: TTXVN)

Tuần qua (ngày 25-30/1), giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng nhẹ ở một số địa phương.

Trong khi đó, mặt hàng càphê lại quay đầu giảm giá; còn mặt hàng tiêu vẫn duy trì mức giá tương đương tuần trước.

Thị trường trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh nhìn chung tăng nhẹ từ 100-200 đồng/kg so với tuần trước.

Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.900-7.000 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg.

Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng tăng khoảng 100 đồng/kg từ 6.800-7.100 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.300-7.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.700-7.800 đồng/kg...

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê lại lao dốc mạnh]

Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.00-16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương lài 19.500 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg.

Ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, giá lúa OM 18 được thương lái mua tại ruộng với giá 7.200 đồng/kg, đối với lúa IR 50404 bán với giá 7.100 đồng/kg. Những ruộng có năng suất hơn 8 tấn/ha, nông dân sẽ lãi gần 30 triệu đồng/ha.

Khác với những vụ Đông Xuân trước, vụ mùa năm nay càng vào chính vụ, giá lúa càng tăng cao. Nhiều nông dân cho biết năm nay họ bán lúa với giá cao nhất từ trước đến nay.

Vụ lúa Đông Xuân ở Đồng Tháp trúng mùa, nếu giá lúa được giữ như vậy, nông dân rất phấn khởi khi được tăng nguồn thu từ vụ Đông Xuân ngay trong đầu năm.

Bên cạnh đó, việc thu mua trên những cánh đồng cũng diễn ra nhanh chóng, đa số thu hoạch xong đều có thương lái đến tận ruộng thu mua và đặc biệt năm nay có nhiều thương lái đến đặc cọc mua lúa trước 1 tháng và đặt cọc mua với giá 6.500 đồng/kg.

Cơ cấu giống lúa trong tỉnh vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 cũng rất đa dạng, nhưng chất lượng cao để gieo sạ.

Các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành sử dụng nhóm giống IR 50404, ML 202, OM 5451, OM 380... huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh sử dụng các giống: ĐT 8, IR 50404, OM 5451, OM 18...

Còn ở các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự sử dụng các giống OM 9582, OM 4900, OM 18, IR 50404, nếp IR 4625, ĐT 8...

Mục tiêu đặt ra của tỉnh là trong năm nay sẽ sản xuất vụ lúa Đông Xuân đạt diện tích 200.000ha, phấn đấu sản lượng 1,43 triệu tấn.

Theo Diễn đàn của người làm càphê, tuần qua giá càphê ở khu vực Tây Nguyên lại quay đầu giảm. Giá càphê ngày 30/1 dao động ở mức 31.000-31.400 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.000 đồng. Còn các các địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông có giá 31.300 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất 31.400 đồng/kg.

Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.374 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Thu hái càphê khi đã đủ độ chín. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Về mặt hàng tiêu, theo Tintaynguyen, giá tiêu nhìn chung có một tuần tiếp tục duy trì ổn định ở mức trên 50.000 đồng/kg. Giá tiêu ngày 30/1 trong khoảng 51.000-53.000 đồng/kg, tương đương so với cuối tuần trước.

Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 53.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 51.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 51.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu trong năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 54.000-55.000 đồng/kg, cao nhất đạt khoảng 60.000 đồng/kg.

Năm 2021, nhiều thị trường xuất khẩu hạt tiêu vẫn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, do đó tiếp tục trầm lắng.

Mặc dù diện tích sụt giảm đáng kể, tuy nhiên giá cũng khó có thể tăng mạnh bởi cung vẫn vượt cầu, khi các nước sản xuất tiêu lớn như Brazil, Campuchia tăng sản lượng.

Thị trường thế giới

Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn tăng trong phiên ngày 29/1; trong đó giá lúa mỳ tăng nhiều nhất.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 tăng 12,5 xu Mỹ (2,34%) lên 5,47 USD/bushel.

Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 16,75 xu Mỹ (1,24) lên 13,7 USD/bushel.

Còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 tăng 16 xu Mỹ (2,47%) lên 6,63 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo thêm 2,1 triệu tấn ngô Mỹ được xuất sang Trung Quốc, đưa tổng số ngô được xuất sang Trung Quốc lên mức 6 triệu tấn trong tuần này, tương đương 240 triệu bushel, mức cao kỷ lục của một tuần.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết Trung Quốc đang thương thảo để mua thêm 2 triệu tấn ngô nữa, nâng tổng mức nhập lên 8 triệu tấn, tương đương 315 triệu bushel. Con số này chiếm khoảng 18% lượng ngô xuất khẩu của Mỹ trong năm 2020.

Cho đến nay, Trung Quốc đã mua khoảng 20 triệu tấn ngô của Mỹ và nhu cầu ngô Mỹ của Trung Quốc càng làm cho mặt hàng này có triển vọng tăng giá.

Dự báo thời tiết cho thấy trời sẽ ẩm ướt hơn ở Mato Grosso và Đông Trung Brazil vào ngày 8/2. Dự báo vẫn ẩm ướt ở Parana và 1/3 khu vực phía Nam vào ngày 14/2, điều này làm tăng nguy cơ mất năng suất và hạt nảy mầm kém.

Thời tiết tại Argentina sẽ khô hơn trong 10 ngày tới. Mưa giảm dần sẽ khiến độ ẩm của đất thấp hơn. Tình trạng ẩm ướt quá mức trên khắp miền Nam Brazil vẫn là mối lo ngại lớn trong tháng 2/2021.

Thị trường gạo châu Á cho thấy giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm qua nhờ nhu cầu tốt và đồng rupee tăng giá, mặc dù việc thu hoạch chậm làm hạn chế nguồn cung và nâng giá gạo Việt Nam.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 390-394 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 3/2019. Tuần trước, giá lương thực chủ chốt này ở mức 385-391 USD/tấn.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này, cho biết khách hàng châu Á và châu Phi đang tích cực mua hàng từ Ấn Độ ngay cả khi giá tăng nhẹ, gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan.

Gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 505- 510 USD/tấn vào ngày 28/1 so với mức 500-505 USD/tấn trong tuần trước do nguồn cung khan hiếm.

Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mặc dù vụ Đông-Xuân đã bắt đầu nhưng nguồn cung vẫn ở mức thấp...

Chỉ 5-6% sản lượng đã được thu hoạch và phải đến cuối tháng Hai, đầu tháng Ba mới đạt đỉnh. Các thương nhân cho biết hoạt động mua bán diễn ra chậm chạp do khách đang chờ đợt cao điểm thu hoạch.

Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục mua gạo chất lượng thấp từ Ấn Độ để sản xuất bia và thức ăn chăn nuôi.

Giá gạo Thái Lan vẫn leo lên gần mức cao nhất trong 9 tháng, nhưng các thương nhân hy vọng giá sẽ giảm một chút nhờ dấu hiệu đồng baht giảm giá so với đồng USD. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 520-530 USD/tấn vào ngày 28/1, so với mức 520- 526 USD/tấn của tuần trước.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 30/1 (giờ Việt Nam), giá càphê Robusta giao tháng 3/2021 tại London tăng 3 USD/tấn (0,23%), giao dịch ở mức 1.306 USD/tấn.

Giá càphê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York ở Mỹ giảm 1,05 xu Mỹ/pound (0,85%) xuống 122,95 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,453kg).

Khối lượng thương mại trên cả hai sàn càphê kỳ hạn thế giới ở mức chỉ được đánh giá là sự hiệu chỉnh cần thiết của các giới đầu cơ trong bối cảnh tác động tiêu cực của virus Corona chủng mới trên toàn cầu.

Thị trường càphê thế giới đang rất cần một ''cú hích" để có thể thoát khỏi sự trì trệ hiện nay.

Theo dự đoán, thiếu người mua đầu tư nên giá Robusta còn phải cầm cự thêm một thời gian nữa. Với những khó khăn về thị trường, tuần tới giá cà phê nội địa được dự kiến ở quanh mức 31-32 triệu đồng/tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục