Thị trường ôtô xác lập kỷ lục mới trong vòng 20 năm qua

Mặc dù bị tác động bởi chính sách thuế, phí nhưng thị trường ôtô năm 2016 được xem là thành công nhất với doanh số bán hàng hơn 304.000 xe – kỷ lục mới trong 20 năm qua.
Lắp ráp xe ôtô du lịch tại nhà máy Ford Việt Nam (Hải Dương). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù bị tác động bởi chính sách thuế, phí và số phận Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi kéo dài, nhưng thị trường ôtô năm 2016 được xem là thành công nhất với doanh số bán hàng hơn 304.000 xe – kỷ lục mới trong 20 năm qua.

Năm 2017, mặc dù thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực ASEAN giảm 10%, nhưng với cách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều chi phí khác khiến giá xe khó có thể giảm.

Hơn nữa, các doanh nghiệp đã đón đầu cơ hội giảm 10% thuế mạnh tay ưu đãi hàng trăm triệu đồng từ những tháng cuối năm 2016 nên giá xe khó có thể giảm tiếp.

Đánh giá về thị trường ô tô năm 2016, ông Yoshihisa Maruta, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những thay đổi từ chính sách thuế và quy mô thị trường còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines nhưng Việt Nam lại là thị trường có sức tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực, đặc biệt là trong vài năm gần đây nhờ kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.

Điều này thể hiện rõ hơn qua báo cáo bán hàng của VAMA, doanh số bán hàng trong vài năm gần đây tăng trưởng qua từng tháng, tháng sau cao hơn tháng trước.

Theo VAMA, trong năm 2016, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô đạt mức kỷ lục hơn 304.000 xe, vượt xa so với kỷ lục 244.914 xe được thiết lập trong năm 2015 hay xa hơn nữa là 160.000 xe của năm 2009.

Còn theo Tổng Cục Thống kê, năm 2016 Việt Nam đã chi đến 2,322 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 115.000 xe ôtô nguyên chiếc, tăng khoảng 25% so với năm trước.

Đóng góp cho bức tranh chung của thị trường ôtô 2016, giới chuyên môn cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hãng xe cũng tích cực giới thiệu nhiều mẫu mới, nhất là thành công của hai cuộc triển lãm xe lớn ở hai đầu đất nước diễn ra liên tiếp trong tháng 10 vừa qua.

Tại đây, cùng với việc giới thiệu xe mới và phô diễn công nghệ trên xe, các hãng còn mạnh tay thực hiện nhiều chương trình ưu đãi, nhờ đó giá bán xe phổ thông giảm sâu cho đến những tháng cuối năm là các yếu tố thúc đẩy thị trường ôtô xác lập kỷ lục mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 ngành này sẽ đáp ứng 60% nhu cầu nội địa đối với xe ôtô đến 9 chỗ ngồi, đến năm 2025 và năm 2030 con số này lần lượt là 65 và 70%...

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, trong nhiều năm qua, nhà nước đã bảo hộ ngành sản xuất ôtô trong nước nhưng cuối cùng doanh nghiệp không thực hiện được mục tiêu nội địa hóa sản phẩm như cam kết.

Còn theo Nhóm công tác ôtô – xe máy tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, sự phát triển của toàn ngành công nghiệp ôtô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ôtô ở Việt Nam vẫn chưa đạt mong đợi khi tham chiếu đến tổng công suất lắp ráp gần 500.000 xe mỗi năm, nhưng công suất sử dụng chỉ đạt khoảng 45% tổng công suất thiết kế.

Việc không tận dụng được công suất ngành có thể làm các nhà đầu tư lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai.

Do những bất lợi về quy mô sản xuất và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất, lắp ráp ôtô nên chi phí sản xuất ôtô trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan hay Indonesia.

Đặc biệt, chênh lệch chi phí sản xuất một chiếc ôtô tại Việt Nam có thể sẽ lên đến 20% so với xe lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia sau năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN miễn thuế các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực.

Nhóm công tác cho rằng, các nhà sản xuất ôtô trong nước sẽ phải đối mặt với khó khăn nếu phải tiếp tục sản xuất trong nước khi nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Do đó, nhóm công tác đề xuất Chính phủ bỏ tất cả thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ôtô mà Việt Nam chưa sản xuất được để tăng sức cạnh tranh về giá cho các sản phẩm.

Trong khi đó, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã và đang có xu hướng tăng dần, khi có nhiều doanh nghiệp đang lắp ráp trong nước chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để hưởng ưu đãi thuế.

Xu hướng nhập khẩu và giảm thuế theo lộ trình là vậy, nhưng người tiêu dùng trong nước quan tâm đến giá xe trong thời gian tới như thế nào.

Theo giới chuyên môn, thuế và phí được xem là một trong những yếu tố tác động mạnh đến giá bán ôtô, đặc biệt đối với các xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam.

Viễn tưởng người Việt Nam dùng ôtô giá rẻ trong bối cảnh hội nhập sẽ rất khó vì hầu hết doanh nghiệp đã tận dụng mùa mua sắm lớn nhất của năm mạnh tay ưu đãi giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng ngay những tháng cuối năm 2016 nên bước sang đầu năm 2017 khó có thể giảm tiếp.

Bên cạnh đó, với thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN vào Việt Nam giảm 10% theo cam kết, giá bán xe cũng giảm theo khoảng 7%.

Tuy nhiên, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi từ năm 2016, thay vì giá tính thuế chỉ là giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập, gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập) nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu, thì giá thuế tiêu thụ đặc biệt mới phải cộng thêm một phần lợi nhuận, chi phí kho bãi, marketing, cước vận chuyển từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối cho người tiêu dùng khiến giá bán lẻ ôtô sẽ tăng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục