Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14/1 công bố số liệu cho thấy nước này đã thu hút tổng cộng 781,4 tỷ nhân dân tệ tương đương 126,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không tính lĩnh vực tài chính trong năm 2015, tăng 6,4% so với năm 2014 bất chấp hiện trạng nền kinh tế đang hạ nhiệt.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, 2015 là năm ngành công nghiệp nặng truyền thống của Trung Quốc không “thuận buồm xuôi gió.”
Giữa bối cảnh đó, giới đầu tư nước ngoài dành nhiều “ưu ái” hơn cho khu vực dịch vụ đồ sộ cũng như khu vực sản xuất theo công nghệ cao và có giá trị cao hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tính trong cả năm 2015, FDI đổ vào khu vực dịch vụ của Trung Quốc đạt 477,1 tỷ nhân dân tệ (77,2 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2014.
Hãng taxi Uber của Mỹ mới đây cam kết sẽ đầu tư 6,3 tỷ nhân dân tệ (956,33 triệu USD) vào thị trường Trung Quốc nhằm thâm nhập ngành công nghiệp du lịch đầy tiềm năng nơi đây.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbucks Corp của Mỹ hai ngày trước cũng vừa loan báo kế hoạch thành lập 500 cửa hàng tại thị trường Trung Quốc – thị trường nước ngoài lớn nhất của Starbucks – trong năm nay.
Starbucks cũng thông báo về dự định tạo mới 10.000 việc làm tại Trung Quốc mỗi năm trong vòng 3 năm tới.
Hiện tại, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc đóng góp một nửa tổng kim ngạch ngoại thương tại Trung Quốc, 1/4 tổng sản lượng công nghiệp và đóng góp 1/5 cho nguồn thu từ thuế của nước này.
Mặc dù FDI là thước đo chính thể hiện sức hút của thị trường Trung Quốc đối với giới đầu tư nước ngoài, đây vẫn chỉ là thành tố nhỏ tính trong tổng dòng vốn và so với lĩnh vực xuất khẩu đồ sộ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bắc Kinh thời gian gần đây vẫn luôn khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư ở thị trường nước ngoài nhằm tăng tính cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.