Thị trường vàng "lạc quan" đón năm 2020 dù đối mặt nhiều thách thức

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số cơ quan tài chính khác đã đưa ra dự đoán tình hình năm 2020 sẽ “tươi sáng” hơn so với năm 2019
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thị trường vàng trong nước và thế giới khép lại năm 2019 với nhiều thăng hoa. Các yếu tố chính đã tạo đà tăng cho kim loại quý này trong năm qua chủ yếu là những bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu và sự ôn hòa trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Câu hỏi đang được đặt ra là năm 2020, nhu cầu "trú ẩn an toàn" vào kim loại quý này sẽ như thế nào ?

Chinh phục đỉnh của 6 năm

Trầm lắng trong suốt một thời gian dài, giá vàng trong nước từ vùng “lình xình” 36-37 triệu đồng/lượng đã “bứt” lên mức cao nhất trong khoảng 6 năm qua. Vàng đã lần lượt vượt qua các mốc 38-39 triệu đồng/lượng rồi nhanh chóng vọt qua mốc 40 triệu đồng/lượng, thậm chí còn vượt mốc 43 triệu đồng/lượng vào ngày 26/8, ghi nhận mức tăng cao nhất trong 6 năm.

Tính trong cả năm 2019, kim loại quý trong nước đã tăng gần 6 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 16%. Mức tăng này diễn ra chủ yếu từ cuối tháng 6, riêng trong tháng 8 giá vàng SJC tăng gần 3 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 7%. Còn giá vàng thế giới cũng kết thúc năm 2019 với mức tăng ước khoảng 18%.

Trong quý 1/2019, giá vàng thế giới chỉ tăng 0,76% do quyết định của Fed đã được giới đầu tư xác định từ quý 4/2018. Song giá vàng đã tăng tới 9% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019 do thị trường vào giai đoạn "trông ngóng" việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất.

Khi Fed hồi tháng Bảy tiến hành cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản mà thị trường mong đợi từ lâu, giá vàng đã nhanh chóng tăng lên hơn 1.550 USD/ounce vào tháng Chín. Mức “đỉnh” trong năm nay của giá vàng là 1.560,40 USD/ounce trong phiên ngày 4/9, cao nhất kể từ tháng 4/2013.

Trong suốt cả năm, cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh liên tục dao động giữa khả quan và tiêu cực, với việc cả hai bên liên tục đưa ra và rút lại những bình luận tích cực về triển vọng cuộc đàm phán. Hệ quả là sự không chắc chắn này cùng với những biến động thị trường liên quan đã hỗ trợ rất tốt cho giá vàng.

Đáng chú ý nhất là sự chuyển hướng chính sách của Fed. Tại cuộc họp cuối năm 2018, Fed đã tăng lãi suất lần thứ tư trong năm và phát đi tín hiệu có thể tiến hành hai đợt tăng lãi suất trong năm 2019. Tuy nhiên, Fed đã đảo ngược chính sách và tiến hành ba đợt hạ lãi suất trong năm 2019, đưa lãi suất chuẩn xuống 1,5-1,75%. Lãi suất xuống thấp hơn đã làm đồng USD xuống giá, qua đó làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng và đẩy giá lên cao hơn. Giới đầu tư vàng theo sát chính sách lãi suất của Fed bởi động thái điều chỉnh lãi suất của Fed luôn chi phối sự biến động trên thị trường vàng.

Thị trường trong nước vắng bóng nhà đầu cơ

Thực tế cho thấy, dù giá vàng đã có những thời điểm tăng phi mã, nhưng thị trường hầu như vắng bóng nhà đầu tư. Theo giới kinh doanh vàng, những rủi ro trên thị trường đã khiến người "chơi vàng" trở nên thận trọng. Giới đầu tư đã rất thận trọng bởi thực tế vàng đã lên cao thì cũng có khả năng rớt mạnh nên đầu tư lướt sóng không còn hấp dẫn.

Về dài hạn, vàng có thể sẽ tăng nhưng rủi ro luôn tiềm ẩn. Giá vàng thế giới luôn có những diễn biến tăng, giảm đột ngột. Đơn cử, phiên sáng 26/8, giá vàng châu Á đã vọt lên mức cao nhất 6 năm qua, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô sang các tài sản an toàn. Tuy nhiên, sang phiên chiều cùng ngày, kim loại quý này đã nhanh chóng trượt dốc do nhu cầu trú ẩn an toàn yếu đi, sau khi Mỹ và Trung Quốc phát tín hiệu “xuống thang” cuộc chiến thương mại.

Ở những thời điểm giá vàng tăng giảm đột ngột thiếu ổn định, giới kinh doanh vàng trong nước thường nới rộng chênh lệch mua bán và người chịu thiệt lớn chính là khách hàng. Tuy nhiên, ở những đợt biến động gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh vàng hầu như không phải "mạnh tay," họ chỉ nới rộng chênh lệch mua-bán từ 500.000-600.000 đồng/lượng. Trong khi thời điểm "sốt vàng" những năm 2011-2013 chênh lệch giữa mua và bán có thời điểm lên tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến này cho thấy thị trường đã thực sự trầm lắng. Việc các doanh nghiệp không phải điều chỉnh quá lớn chênh lệch mua và bán cho thấy người dân đã không còn hào hứng với kim loại quý.

Anh Ngô Quang Đạo, một người dân ở Hà Nội cho biết, đầu tư vào vàng bây giờ lời chẳng đáng là bao mà rủi ro cao. Giá vàng thế giới diễn biến khó lường nên rất khó đoán. Hơn nữa chính sách chống vàng hoá nền kinh tế đã loại bỏ vàng ra khỏi phương tiện thanh toán nên cũng làm giảm đi sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Thị trường cũng đã chứng minh một điều rằng, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về Quản lý kinh doanh vàng (Nghị định 24) được ban hành và đi vào cuộc sống, thị trường vàng đã đi vào khuôn khổ. Những bất cập của thị trường vàng trong những giai đoạn trước cũng dần được khắc phục. Giá vàng trong nước đã tiệm cận giá vàng thế giới. Các mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước về tạo khuôn khổ pháp lý để quản lý thị trường vàng, loại bỏ tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế về cơ bản đã đạt được.

Nhu cầu “trú ẩn an toàn” có suy yếu?

Theo giới phân tích, năm 2020, kim loại quý này có thể phải đối mặt với một số thách thức. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số cơ quan tài chính khác đã đưa ra dự đoán tình hình năm 2020 sẽ “tươi sáng” hơn so với năm 2019. Các thị trường cũng dự kiến đà tăng trưởng hồi phục vào năm 2020.

Ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại ngân hàng U.S. Bank Wealth Management, cho biết sự khởi sắc trong triển vọng lạm phát của nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ là thách thức đối với vàng. Lạm phát cao hơn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, qua đó làm giảm nhu cầu về vàng.

Chuyên gia này nói rằng một môi trường kinh tế toàn cầu ổn định hơn, dù có hoặc không có một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ làm suy yếu nhu cầu “trú ẩn an toàn”. Do vậy, để giá vàng có thể tăng cao hơn nữa sẽ phải có những đợt cắt giảm lãi suất bổ sung và tăng nguồn cung trái phiếu lãi suất âm trên toàn thế giới. Song ông Haworth cũng cho hay sự khởi sắc trong triển vọng lạm phát sẽ làm suy yếu các chất xúc tác này.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vàng vẫn còn nhiều trợ lực trong năm 2020. Số liệu kinh tế vĩ mô gần đây cho thấy tình trạng “hạ nhiệt” của kinh tế toàn cầu sắp kết thúc, nhưng chưa hoàn toàn có dấu hiệu phục hồi lực tăng như trước. Khả năng xảy ra một “Brexit cứng” - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận vẫn còn và có thể “khuấy động” thị trường chứng khoán, qua đó đẩy giá vàng cao hơn. Những lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, nếu có, có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Trong báo cáo “Triển vọng thị trường hàng hóa năm 2020,” Ngân hàng ING Bank (Hà Lan) nhận định giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ trong suốt năm 2020 vì vẫn tồn tại những bất ổn xung quanh các tranh chấp thương mại và tăng trưởng toàn cầu.

Theo báo cáo của ING Bank, trong quý 1/2020, giá vàng dự kiến ở quanh mức 1.500 USD/ounce. Sau đó, giá kim loại quý này sẽ giảm xuống còn 1.470 USD/ounce trong quý 2 và quý 3 trước khi tăng lên 1.480 USD/ounce trong quý 4. Tính chung cả năm 2020, ING Bank dự báo giá vàng sẽ ở mức trung bình là 1.475 USD/ounce.

Các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết tiềm năng tăng trưởng của giá vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ ôn hòa của Fed trong năm 2020. Bên cạnh đó, những bất ổn về thương mại và lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ trợ lực cho giá vàng. ING Bank cho rằng nếu chính sách của Fed ngày càng trở nên ôn hòa hơn, điều này sẽ càng giúp giá vàng tăng cao hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục