Thay đổi về cấu trúc điểm thi, cách lựa chọn ngữ liệu ra đề, tính gợi mở cao hơn trong câu hỏi nghị luận…, là những nhận định của giáo viên dạy ngữ văn và học sinh với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của Hà Nội năm nay.
Thí sinh Nguyễn Bảo Châu, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền cho rằng đề thi năm nay “không khó như em tưởng tượng” nhưng câu hỏi nghị luận xã hội ở phần 2 của đề thi khiến Châu khá bất ngờ.
“Đề yêu cầu ‘trình bày suy nghĩ về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình? Nếu viết về một vấn đề, hiện tượng trong xã hội thì chúng em dễ lấy dẫn chứng hơn, còn bàn luận về một ý kiến thì khó hơn,” Bảo Châu chia sẻ.
Theo cô Đỗ Khánh Phương, Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống HOCMAI, thí sinh bất ngờ với đề nghị luận ở phần hai là điều dễ hiểu, vì đề thi năm nay có nhiều thay đổi so với năm trước do việc thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề thi.
Cụ thể, ở phần hai, đề thi không sử dụng ngữ liệu là một đoạn trích trong một tác phẩm truyện văn học như các năm trước mà lại sử dụng đoạn văn nghị luận xã hội bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm nghị luận xã hội này cũng không nằm trong phần nội dung chính của chương trình Ngữ văn lớp 9. “Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh, tính phân loại cũng sẽ cao hơn,” cô Phương nhận định.
Bất ngờ với phần ngữ liệu nghị luận xã hội trong phần 2 của đề thi môn Ngữ văn cũng là chia sẻ của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn văn, Trường Archimedes (Hà Nội).
Theo thầy Hùng, tuy ngữ liệu mới nhưng những câu hỏi về ngữ liệu vẫn rất quen thuộc, kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh về đọc hiểu văn bản, nên học sinh nếu nắm chắc kiến thức thì hoàn toàn có thể làm tốt và không gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, đề thi còn có sự thay đổi về cấu trúc điểm, được điều chỉnh từ cấu trúc 6/4 cho Phần 1 và Phần 2 như các năm trước sang cấu trúc 7/3.
Đánh giá tổng quan về đề thi, thầy Hùng cho hay đề đã kiểm tra khá toàn diện kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết các đoạn văn nghị luận.
[Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn: Khó nhất là phần nghị luận xã hội]
Cụ thể, ở phần một, đề thi hỏi về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra các kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ… Câu bốn yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt.
Ở phần hai, nói về câu hỏi được các thí sinh coi là khó nhất trong đề thi năm nay: “Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình?”, thầy Hùng cho rằng đây là một đề khá thú vị. Hình thức diễn đạt của câu hỏi với hình thức nghi vấn đã có sự khơi gợi, cho phép thí sinh tự do thể hiện ý kiến cá nhân của mình, có thể liên hệ thực tiễn cuộc sống cá nhân và xã hội cho bài viết.
“Nhìn chung, đề thi có sự mới mẻ nhưng nếu nắm vững kiến thức, học sinh cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn,” thầy Hùng nói./.