Làm gì để hỗ trợ 73% người cao tuổi không có lương hưu?

Thích ứng với già hoá dân số: Hỗ trợ sinh kế cho riêng người cao tuổi

Việc thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể về tạo việc làm cho người cao tuổi đang gây khó khăn cho các đối tượng này trong quá trình tìm kiếm việc làm, bảo đảm đời sống.
Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035 khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên tới 20% (khoảng 21 triệu người). Dự báo đến năm 2049, người cao tuổi tuổi sẽ chiếm 25% dân số.

Cùng với tốc độ già hoá dân số nhanh, việc chăm lo đời sống cho người cao tuổi cũng sẽ tạo áp lực rất lớn. Vì vậy, xây dựng các chính sách đảm bảo sinh kế cho người cao tuổi đang là vấn đề rất cấp bách.

Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức ngày 3/11 tại Hà Nội.

73% người cao tuổi không có lương hưu

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở vào tháng 4/2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

Người cao tuổi tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó 73% không có lương hưu và phải sống phụ thuộc vào con cái. Thậm chí nhiều người cao tuổi phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày.

Những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh đó, khi tham gia vào thị trường lao động, người cao tuổi có một vị trí đặc biệt vì họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó, người cao tuổi có ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn, ít bị tai nạn lao động hơn...

Kết quả nghiên cứu hồi tháng 8 năm nay của Cục Bảo trợ xã hội tại 3 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cũng cho thấy khoảng 40-45% người cao tuổi vẫn đang tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4 % là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăm nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ việc làm.

Hỗ trợ người cao tuổi có việc làm

Mặc dù Việt Nam có truyền thống “kính lão đắc thọ” tôn trọng người cao tuổi; Nhà nước, gia đình, xã hội có trách nhiệm chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi... Tuy vậy, quá trình hội nhập và phát triển cùng với sự xâm nhập của các nền văn hóa phương tây tác động mặt trái của kinh tế thị trường làm cho vị thế của người cao tuổi trong gia đình và xã hội có phần giảm sút.

[Phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội để đáp ứng yêu cầu người cao tuổi]

Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách tích lũy bắt buộc ngay từ khi còn trẻ để bảo đảm cho tuổi già. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ tham gia hoạt động sinh kế khi trở thành người cao tuổi (còn điều kiện về sức khỏe) để bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập, phòng ngừa nguy cơ bị bỏ mặc ngược đãi, bạo lực.

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng mặc dù có chính sách hỗ trợ về sinh kế cho người cao tuổi nhưng thực tiễn không thu thập được số liệu thống kê về người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh có nhu cầu hỗ trợ (vay vốn, học nghề, hỗ trợ chuyền giao kỹ thuật, hỗ trợ về tư liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra…).

“Những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, truyền nghề… cũng không được miễn giảm thuế sản xuất kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân,” ông Nguyễn Hải Hữu nói.

Bà Trương Thị Ly, Khoa Công tác xã hội, Đại học Công Đoàn cho biết đối với người cao tuổi thì trình độ là một trong những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm và là thách thức lớn trong quá trình đảm bảo sinh kế. Trong khi đó, việc thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể tạo việc làm cho người cao tuổi cũng gây khó khăn cho nhóm đối tượng này trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Hải Hữu, không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Song, đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập.

“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với người cao tuổi và người dân có độ tuổi thấp hơn. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đồng bằng và thành thị,” ông Nguyễn Hải Hữu khuyến nghị.

Theo các chuyên gia, để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho gia đình, xã hội, Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động của nhóm đối tượng này. Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân bảo vệ, chăm sóc, phát huy khả năng đóng góp của người cao tuổi.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay cơ quan này đang có kế hoạch tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi để tận dụng, phát huy và tạo điều kiện cho người cao tuổi đóng góp cho xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục