Thiết bị thông minh phục vụ thú cưng tạo sức hút lớn tại CES 2018

Nhiều mẫu thiết kế đa dạng cũng được các công ty công nghệ khác mang tới triển lãm như các thiết bị có thể gắn trên cơ thể vật nuôi để giám sát di chuyển giúp chủ nhân không phải vất vả tìm kiếm.
Thiết bị thông minh phục vụ thú cưng tạo sức hút lớn tại CES 2018 ảnh 1Một sản phẩm của Petrics. (Nguồn: Petrics)

Các thiết bị điện tử dành riêng cho vật nuôi trong nhà như chó, mèo và ngựa đang tạo ra sức hút lớn tại Triển lãm Thiết bị điện tử tiêu dùng (CES) 2018 diễn ra ở thành phố Las Vegas (Mỹ).

Hãng công nghệ Petrics của Mỹ đã mang tới triển lãm mẫu giường thông minh đầu tiên trên thế giới được thiết kế dành riêng cho thú cưng với chức năng theo dõi cân nặng và giám sát thời gian nghỉ ngơi của những vật nuôi trong nhà. Mẫu giường thông minh này cũng có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ nóng hay ấm khác nhau để giúp thú cưng có giấc ngủ thoải mái nhất và được đồng bộ hóa hệ thống theo dõi mức độ vận động của thú cưng để báo cáo lại cho chủ nhân.

Trong khi đó, nhiều mẫu thiết kế đa dạng cũng được các công ty công nghệ khác mang tới triển lãm như các thiết bị có thể gắn trên cơ thể vật nuôi để giám sát di chuyển giúp chủ nhân tránh được cảnh phải đi dán tờ rơi khắp nơi để tìm thú cưng của mình. Đặc biệt đáng chú ý là thiết bị do Whistle mang đến được trang bị GPS và khả năng tích hợp với mạng di động giúp thiết lập vùng "an toàn" trong đó vật nuôi được phép di chuyển. Nếu chẳng may những chú thú cưng vì mải chơi mà di chuyển ra khỏi khu vực an toàn thì chủ nhân của chúng sẽ ngay lập tức nhận được tin nhắn thông báo trên điện thoại cũng như sơ đồ vị trí mà "boss" của mình đang rong chơi.

[Công nghệ sáng tạo, tối ưu hóa cuộc sống "đua tài" tại CES 2018]

Còn hãng Petcube đã cải biến ý tưởng lắp đặt camera theo dõi thú cưng hòa mạng Internet bằng cách đưa thêm những yếu tố công nghệ 'thông minh." Nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, từng bước di chuyển của thú cưng trước màn hình camera đều có thể tạo ra một cuộc gọi video tới chủ nhân của chúng hay những đoạn ghi hình "pet selfie" ngộ nghĩnh gửi tới chủ nhân để xoa dịu nỗi lo vắng khi xa nhà. Thiết bị này cũng được gắn kèm công cụ chiếu laser để các cô/cậu chủ có thể chơi đùa với thú cưng ngay khi chúng tỏ ra buồn chán do không được ở bên cạnh chủ nhân. Với những thiết bị này, khoảng cách địa lý không còn là trở ngại với những cặp vật nuôi và chủ nhân thân thiết như những người trong gia đình nữa.

Có lẽ ai cũng thích có một chú mèo xinh xắn để vuốt ve, ôm ấp nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để dọn vệ sinh cho loài vật này. Nắm bắt được tâm lý này, các hãng công nghệ đã phát triển sản phẩm giúp việc chăm sóc thú cưng càng trở nên nhàn hạ hơn bao giời hết.

Tại CES năm nay, khách hàng tham dự được tận mắt chứng kiến những sản phẩm hộp tự động có gắn cảm ứng giúp xác định thời điểm vật nuôi đi vệ sinh và khoảng thời gian cần dọn dẹp. Chất thải sau đó cũng tự động được đẩy vào một khay chứa có đầy than và chủ nhân chỉ cần thay khay này mà không cần quá nhiều thao tác ám ảnh khác.

Trong khi đó, Litter- Robot cũng đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp kiểm tra số lần mèo cưng đi vệ sinh mỗi ngày và ghi nhận doanh số bán hàng khá cao trong các dịp giảm giá cuối năm 2017 và đầu năm 2018 vừa qua.

Cũng tại CES 2018, mặc dù châu Phi chỉ cử vài đại điện góp mặt nhưng các sản phẩm dán mác "Lục địa Đen" cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ của một khu vực vốn trước đây chỉ được biết đến với sự trì trệ và lạc hậu.

​Nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ tại CES 2018, khu vực dành cho các doanh nghiệp châu Phi bao gồm 6 công ty nhỏ và start-up của Mali, Senegal và Tunisia. Trong số này, 3 công ty đã có sản phẩm hữu hình để trưng bày, 2 công ty chỉ có tờ rơi giới thiệu sản phẩm, còn 1 công ty có ý tưởng và đang trong quá trình hiện thực hóa. Tuy nhiên, các sản phẩm và ý tưởng của các công ty châu Phi được đánh giá là có tính thực tiễn cao, nhắm vào việc phục vụ tầng lớp bình dân và thu nhập thấp.

Có thể kể đến 3 giải pháp công nghệ đã được hiện thực hóa bằng sản phẩm cụ thể như mạng xã hội dành cho những người mù chữ, ứng dụng đa ngữ dành cho thổ dân Senegal, và “Hộp năng lượng Yeelen."

Trong khi đa số các mạng xã hội phổ biến được phát triển trên giao thức đọc và viết, một kỹ sư công nghệ ở Mali đã phát triển một mạng dành riêng cho người mù chữ dựa trên nền tảng dùng tiếng nói để giao tiếp. Được đặt tên là Lenali, mạng xã hội này cho phép người sử dụng dùng tiếng nói của mình để đăng nhập tên tuổi và bình luận các nội dung trên mạng. Tác giả của sản phẩm này Mamadou Gouro hy vọng Lenali sẽ được áp dụng trong kinh doanh giống như ​Facebook.

Trong khi đó, một kỹ sư Senegal đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động giúp chuyển ngữ bằng cách dịch trực tiếp qua giọng nói giữa các phương ngữ khác nhau. Hiện tại ứng dụng này đã được tích hợp 3 ngôn ngữ bao gồm tiếng Pháp và hai thổ ngữ ở Senegal.

Với  cái tên ngộ nghĩnh là “Hộp năng lượng Yeelen,” thiết bị phát điện dùng năng lượng mặt trời này được xem là đặc biệt hữu ích cho nhiều quốc gia châu Phi, nơi còn rất nhiều nơi chưa có điện lưới. Sau mỗi lần sạc đầy bằng năng lượng mặt trời, thiết bị nhỏ gọn này có thể cung cấp điện cho 10 hộ gia đình dùng liên tục trong 24 giờ. Có giá thành khoảng 1.800 USD, “Hộp năng lượng Yeelen” sẽ được sản xuất đại trà vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục