Bão số 1 đổ bộ vào đất liền đã gây mưa lớn và thiệt hại ban đầu tại các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định và Hải Phòng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tại một số huyện như Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ đã xuất hiện lũ nhỏ.
Tại huyện Vân Đồn, 4 sà lan bị trôi (không có người). Hiện công tác cứu hộ đang tiếp tục được thực hiện.
Thành phố Cẩm Phả có 1 lồng bè nuôi hàu bị vỡ, 3 người trên bè đã an toàn, thiệt hại khoảng trên 10 triệu đồng. Khoảng 6,5ha lúa và ngô của huyện Tiên Yên bị đổ, ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.
Trưa nay, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng đã cứu hộ thành công 10 người bị trôi dạt trên sà lan có đầu kéo. Toàn tỉnh chưa có thiệt hại về người do bão số 1 gây ra.
Tỉnh Nam Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100mm-150mm, gió trong đất liền cấp 4, cấp 5, vùng ven biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều giờ đã làm nhiều tuyến đường tại thành phố Nam Định và các huyện ngập sâu gây khó khăn và nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông. Các tuyến phố: Hàng Thao, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, đường Máy Tơ, Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) ngập sâu từ 40-60cm.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, các đơn vị chức năng đã kêu gọi tất cả gần 2.000 tàu, thuyền hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Hơn 900 lao động làm việc tại 732 chòi canh ngao, lều nuôi tôm bên ngoài đê biển đã vào bờ. Các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch xong trên 76.300 ha lúa chiêm xuân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng cho biết đến 19 giờ ngày 24/6, bão số 1 với cường độ gió mạnh cấp 10, 11, giật cấp 12, 13 khi đổ bộ vào đảo Bạch Long Vĩ đã khiến một ngư dân bị thương; ba phương tiện trong âu cảng bị đứt dây neo, đâm vào bờ và bị đắm; hoa màu trên đảo bị hư hỏng; cây, cột điện gãy đổ, một số nhà dân bị hư hỏng, tốc mái.
Khoảng 8 giờ sáng 24/6, anh Nguyễn Văn Thịnh, 36 tuổi, quê ở Quỳnh Phước, Quỳnh Lưu, Nghệ An cùng tàu cá của mình tránh trú bão trong âu cảng Bạch Long Vĩ đã bị cột buồm gãy đập vào vùng đầu, bất tỉnh tại chỗ. Anh Thịnh được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện huyện đảo, sức khỏe đang dần hồi phục.
Ngày 24/6, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng cũng thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 1 tại các huyện, quận và các trọng điểm xung yếu trên địa bàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã vận hành thử các trạm bơm tiêu úng trên toàn hệ thống, đảm bảo sẵn sàng hoạt động, các máy bơm dã chiến đã sẵn sàng phục vụ chống úng tại những điểm úng cục bộ, ứng phó với mưa lớn trong và sau bão.
Ngành chuẩn bị dự phòng một lượng giống lúa ngắn ngày, hạt giống rau màu để gieo trồng lại diện tích bị thiệt hại do bão có thể gây ra. Dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhưng địa bàn Hải Phòng vẫn có mưa trên diện rộng kèm theo gió lớn./.