Chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua giai đoạn xáo trộn bất thường chủ yếu do sự mất cân bằng cung cầu trên thế giới.
Khi các nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn suy giảm do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang đối diện với một loạt khó khăn liên quan đến thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí đầu vào leo thang, sản xuất gián đoạn, từ đó dẫn đến tình trạng giao hàng chậm trễ.
Rủi ro chồng chất rủi ro
Các nhân tố tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng là rất đa dạng và ngày càng phức tạp, đan xen lẫn nhau, bởi quá trình toàn cầu hóa khiến cho mức độ lệ thuộc giữa các công ty đa quốc gia tăng lên.
Từ năm ngoái đến nay, tình trạng thiếu vi mạch điện tử đã tăng lên mức cao và gây áp lực cho nhiều ngành nghề, bao gồm điện thoại di động, ôtô và điện gia dụng, máy tính cá nhân…
Điển hình là ngành công nghiệp ôtô, do thiếu hụt chip, nên sản lượng ôtô toàn cầu năm 2021 dự báo giảm 7,7 triệu chiếc, thiệt hại của các nhà sản xuất ước tính lên tới 210 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quốc gia đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào năng lượng hóa thạch giảm trong khi lộ trình phát triển năng lượng xanh còn gặp nhiều gián đoạn, dẫn tới tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất điện.
Sự căng thẳng trong cung ứng điện của nhiều nước và khu vực đang lan rộng ra nhiều quốc gia và khu vực trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp.
Giờ đây, các ngành công nghiệp lại đón nhận một "cơn bão" mới là khan hiếm magiê. Hiện nay, Trung Quốc chiếm vị trí gần như độc tôn trên thị trường magiê thế giới với gần 90% sản lượng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thiếu điện đã khiến cho sản lượng magiê của nước này sụt giảm mạnh.
Ngân hàng Bank of America cảnh báo, do magiê khó bảo quản (bị oxy hóa sau ba tháng), nên nếu Trung Quốc không nhanh chóng tăng sản lượng, thì dự trữ magiê toàn cầu có thể sẽ giảm xuống mức báo động nguy hiểm trước cuối năm nay.
Theo tính toán của Hiệp hội thương mại kim loại màu của Đức, dự trữ magiê của toàn bộ châu Âu chậm nhất sẽ cạn kiệt vào trước cuối tháng 11, khi đó có thể sẽ xuất hiện tình trạng cắt giảm sản lượng quy mô lớn.
Hệ lụy của vấn đề này là ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung magiê toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.
Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc gần như hoàn toàn (95%) vào nguồn cung magiê từ Trung Quốc. Do đó, các ngành công nghiệp châu Âu sản xuất và sử dụng nhôm, sắt và thép cũng như các nhà cung cấp nguyên liệu thô cho họ, đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt magiê.
Trong tương lai, vấn đề này có nguy cơ lây sang chuỗi giá trị của hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu và gây nguy hiểm cho hàng triệu việc làm trong các lĩnh vực chủ chốt như chế tạo ôtô và ngành xây dựng.
Magiê là nguyên liệu then chốt để sản xuất hợp kim nhôm, được sử dụng rộng rãi trong nhiều linh kiện ôtô như hộp số, cột lái, khung ghế và nắp bình xăng… Nếu sản lượng magiê không thể phục hồi kịp thời, ngành công nghiệp ôtô toàn cầu sẽ tiếp tục đối diện với rủi ro ngừng hoạt động trên quy mô lớn.
Theo Công ty dịch vụ tài chính Barclays, trong ngành sản xuất nhôm tấm và phôi nhôm, không có sản phẩm nào có thể thay thế magiê, 35% nhu cầu của magiê là sản xuất thân vỏ ôtô. Do đó, nếu chuỗi cung ứng gián đoạn, thì toàn bộ ngành công nghiệp ôtô có thể sẽ bị đình trệ.
Giá cả hàng hóa tăng vọt
Nguồn cung căng thẳng đã đẩy giá magiê và các sản phẩm từ magiê trên thị trường tăng chóng mặt. Số liệu của tổ chức phân tích giá năng lượng và hàng hóa chiến lược quốc tế Argus Media cho thấy, giá nhập khẩu magiê của châu Âu đã tăng 75% trong một tháng qua, ghi nhận mức cao kỷ lục 9.000 USD/tấn.
Trong khi đó, nhà sản xuất nhôm thô lớn nhất nước Mỹ là Alcoa Corp cũng thể hiện sự lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung magiê và những hệ lụy đi kèm, khi một số nhà cung ứng bổ sung vào điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng, theo đó cho phép tạm ngừng giao hàng trong trường hợp không thể kiểm soát.
[Các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu]
Theo trang thông tin hàng hóa Trading Economics, gần đây có thời điểm giá nhôm đã tăng mạnh lên ngưỡng 3.200 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Đến ngày 20/10, mặc dù đã giảm nhẹ, nhưng giá nhôm vẫn dao động ở mức cao 3.000 USD/tấn.
Không chỉ nhôm, từ tháng Chín đến nay, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô đều tăng vọt và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng ra gần 30 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Châu Âu và khu vực Đông Nam Á đều đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung than và khí đốt. Các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt phân bón ở châu Âu vào mùa Xuân.
Ngoài ra, cả thế giới cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt đồng. Giá đồng tại sàn giao dịch kim loại London đã chạm mức cao kỷ lục và tăng gấp 1,5 lần chỉ trong một năm.
Doanh nghiệp tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng
Việc nhiều nhà máy luyện magiê ở Trung Quốc phải đóng cửa do thiếu điện đã khiến cho nguồn cung magiê căng thẳng và dẫn tới phản ứng dây chuyền. Vì thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu quan trọng của ngành sản xuất, nhiều doanh nghiệp ôtô phải kéo dài thời gian giao hàng và giá ôtô tăng cao.
Thực trạng này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp châu Âu, nhất là các hãng ôtô tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng gây nên từ giá năng lượng tăng vọt của Trung Quốc.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín trong thương mại quốc tế của Trung Quốc, mà sẽ thúc đẩy Mỹ và nhiều nước châu Âu chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á, bao gồm Mexico, Thái Lan và Việt Nam…
Sau khi ngành công nghiệp ôtô toàn cầu "bị cú sốc" thiếu chip, doanh nghiệp các nước đã nhận thức được rằng Trung Quốc chiếm tỷ trọng quá cao trong thị trường linh kiện ôtô, nên đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy ở bên ngoài. Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp không còn là chi phí, mà là sự an toàn và lành mạnh của chuỗi cung ứng.
Chuỗi cung ứng toàn cầu có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống thương mại tự do thế giới. Có thể tình trạng bất thường hiện nay sẽ không kéo dài quá lâu sau khi dịch bệnh được kiểm soát và mùa Đông lạnh giá quá đi.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thiếu điện không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc, mà đã "di chứng" sang các nước nền kinh tế khác.
Xét ở góc độ lớn hơn, yếu tố an ninh phi truyền thống sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu mà các nước cần tính toán trong quá trình tái thiết lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng chủ động, linh hoạt, lành mạnh trong thời gian tới./.