Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố sau đảo chính

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ gần 3.000 người tình nghi âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời ra lệnh bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố viên.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố sau đảo chính ảnh 1Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ các đối tượng tình nghi âm mưu đảo chính tại Istanbul. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/7 đã bày tỏ quan ngại việc chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan bắt giữ rất nhiều thẩm phán, công tố viên sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, đồng thời cho rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên danh sách bắt giữ này từ trước.

Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn cho biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ gần 3.000 người tình nghi âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời ra lệnh bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố viên.

Ông Hahn cho rằng hành động bắt giữ hàng loạt này dường như đã được chuẩn bị từ trước và danh sách bắt giữ cũng đã có sẵn. Ông bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng các quy định của luật pháp sau khi dẹp được cuộc đảo chính quân sự vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels (Bỉ), bà Mogherini cho rằng các quy định của luật pháp cần được bảo vệ và không có sự bào chữa nào cho việc không thực hiện nguyên tắc này. Bà Mogherini cho biết EU sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này.

Hiện các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục truy lùng và bắt giữ các binh sỹ tham gia cuộc đảo chính vừa qua. Một số quan chức cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho có liên quan đến cuộc đảo chính đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã bày tỏ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể nối lại án tử hình sau vụ đảo chính quân sự vừa qua. Ông Kurz cho rằng không nên có các cuộc thanh trừng và trừng phạt nằm ngoài khuôn khổ của luật pháp và hệ thống tư pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn xin gia nhập EU và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính quân sự vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này có thể sẽ lại áp dụng hình phạt tử hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.