Thổ Nhĩ Kỳ: Các thành viên PKK bắt cóc nhiều quan chức hải quan

Một thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt cóc 11 quan chức hải quan tại khu vực biên giới với Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ: Các thành viên PKK bắt cóc nhiều quan chức hải quan ảnh 1Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tại hiện trường vụ tấn công Cung Dolmabahce ngày 19/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/8, một thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt cóc 11 quan chức hải quan tại khu vực biên giới với Iran.

Theo nguồn tin trên, các con tin bị đã bị bắt cóc cách đây hai ngày, tại khu vực biên giới Kapikoy, giáp ranh với Iran. Ngoài 11 quan chức, các tay súng PKK còn bắt cóc cả lái xe của họ. Cho đến nay, một nữ quan chức hải quan và người tài xế đã được thả tự do, trong khi số phận của những con tin còn lại vẫn chưa rõ.

Trong một diễn biến liên quan, một nhóm vũ trang của PKK đã bắn rocket nhằm vào các binh sỹ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi họ đang đi tuần tại một con đập ở thị trấn Kulp, tình Diyarbakir, khiến 1 binh lính thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Căng thẳng giữa PKK và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng trong bối cảnh Ankara tăng cường chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và các phiến quân PKK tại phía Bắc Iraq. Động thái này diễn ra sau vụ tấn công tự sát do IS tiến hành ở thị trấn Suruc, tỉnh Sanliurfa của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Syria hồi tháng 7 vừa qua, khiến 33 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Thống kê mới nhất cho thấy một tháng sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch chống khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ và phía Bắc Iraq, khoảng 700 tay súng PKK đã thiệt mạng và khoảng 500 người khác bị thương.

PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc đàm phán hòa bình, song tiến trình bị đình trệ vào tháng 9/2013 sau khi PKK cáo buộc Ankara không thực hiện những cải cách như đã cam kết. Hồi đầu năm 2015, hai bên đã có những động thái nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng người Kurd liên quan tới chính sách của Ankara trong việc chống lực lượng IS tại thị trấn Kobane ở Syria, cũng như tình hình bạo lực gia tăng ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã cản trở tiến trình này. PKK hiện vẫn bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào "danh sách các tổ chức khủng bố" vì đã tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang từ năm 1984 nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.