Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc mua thêm tổ hợp phòng không S-400 từ Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: "Đây là hệ thống phòng thủ. Nó không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, và hệ thống này sẽ không trở thành mối đe dọa nếu Thổ Nhĩ Kỳ không bị tấn công.”
Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc mua thêm tổ hợp phòng không S-400 từ Nga ảnh 1Hệ thống phòng không S-400 Triumf hiện đại của quân đội Nga, được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 29/4 khẳng định các tổ hợp phòng không S-400 mà Ankara mua từ Moskva không đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào, đồng thời cho biết hệ thống đã sẵn sàng trực chiến và sẽ chỉ được sử dụng trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Haberturk, ông Akar chia sẻ: “S-400 đã được mua. Các hoạt động huấn luyện binh sỹ, cất giữ, sử dụng và vận chuyển tổ hợp - vốn là hệ thống phòng không tăng tầm - đã được hoàn thành.

Hiện tại, mọi thứ đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Đây là hệ thống phòng thủ. Nó không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, và hệ thống này sẽ không trở thành mối đe dọa nếu Thổ Nhĩ Kỳ không bị tấn công.”

Ngoài ra, Ankara cũng đang cân nhắc đặt mua lô S-400 thứ hai.

[Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua thêm hệ thống phòng không S-400 của Nga]

Bộ trưởng Akar lưu ý Ankara đã mua S-400 từ Moskva sau khi Mỹ từ chối cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua bốn tiểu đoàn phòng không S-400 từ Nga với giá 2,5 tỷ USD. Hồi tháng 10/2019, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga thông báo hợp đồng đã được hoàn tất.

Tại thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ không sở hữu bất cứ hệ thống phòng không nào có năng lực tương đương S-400.

Sau khi không thể thuyết phục Ankara từ bỏ thương vụ mua S-400 từ Nga, cũng trong năm 2019, Mỹ đã quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.

Tuy vậy, bất chấp sự chỉ trích cũng như đe dọa trừng phạt của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vẫn tiếp tục sử dụng S-400./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.