Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích quyết định cấm mặc trang phục tôn giáo

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định của Tòa án Công lý châu Âu liên quan đến khăm trùm đầu của người Hồi giáo sẽ chỉ làm tăng thêm xu hướng chống người Hồi giáo và bài ngoại.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích quyết định cấm mặc trang phục tôn giáo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Sau khi Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết cho phép các công ty ở châu Âu có thể cấm nhân viên mặc các trang phục tôn giáo hay đeo các biểu tượng chính trị, bao gồm cả khăn trùm đầu của người Hồi giáo, đến nơi làm việc, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo - đã chỉ trích quyết định trên, cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng tư tưởng chống lại người Hồi giáo.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin ngày 14/3 tuyên bố: "Quyết định của ECJ liên quan đến khăm trùm đầu của người Hồi giáo sẽ chỉ làm tăng thêm xu hướng chống người Hồi giáo và bài ngoại."

Phản ứng trên của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Ankara đang mâu thuẫn gay gắt với Đức, Hà Lan và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác do các nước này cản trở giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị tại nước họ.

Trong thời gian qua, Đức, Áo, Hà Lan và Thụy Sĩ đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc míttinh trong cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại các quốc gia này để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc trưng cầu ý dân về dự luật sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm gia tăng quyền hạn cho Tổng thống Tayyip Erdogan, dự kiến diễn ra ngày 16/4 tới.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang xem xét bãi bỏ lệnh cấm nữ quân nhân trong lực lượng vũ trang đeo khăn trùm đầu của người Hồi giáo. Đây là cơ quan cuối cùng cấm mặc trang phục tôn giáo tại nơi làm việc.

Việc mặc trang phục tôn giáo, đặc biệt là các trang phục mang tính biểu tượng của đạo Hồi như khăn trùm đầu, đã trở thành vấn đề nóng trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và có lúc nhiều người đã công khai chống lại những người Hồi giáo nhập cư ở khắp châu Âu.

Một số quốc gia như Áo đang xem xét cấm hoàn toàn việc sử dụng mạng che mặt ở nơi công cộng, trong khi giới chức địa phương Pháp hồi năm ngoái đã cấm phụ nữ mặc đồ bơi trùm kín người của người Hồi giáo, đồng thời sẽ phạt nếu ai sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.