Thổ Nhĩ Kỳ có động thái đáp trả cảnh báo du lịch của Mỹ và châu Âu

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo về các cấp độ nguy hiểm của hận thù, tẩy chay tôn giáo ở châu Âu và những cuộc tấn công nhằm vào người nước ngoài, các hành động phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ có động thái đáp trả cảnh báo du lịch của Mỹ và châu Âu ảnh 1Biểu tình bên ngoài sứ quán Thụy Điển ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối hành động đốt kinh Koran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cảnh báo du lịch với châu Âu và Mỹ, đây được xem là động thái đáp trả những cảnh báo tương tự của các cường quốc phương Tây nhằm vào Ankara.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo về "các cấp độ nguy hiểm của hận thù và tẩy chay tôn giáo ở châu Âu." Một thông báo khác cũng của bộ này cho biết "gần đây có những cuộc tấn công nhằm vào người nước ngoài và các hành động phân biệt chủng tộc diễn ra ở một số nơi tại Mỹ."

Trước đó, cả Mỹ và một số nước châu Âu đã khuyến cáo công dân tránh tham dự những sự kiện tập trung đông người và tránh đi du lịch tới những địa điểm nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cảnh báo người dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ cần tránh đám đông và các cuộc biểu tình, sau làn sóng phản đối việc một chính trị gia cực hữu ở Stockholm đốt bản sao kinh Koran vào tuần trước.

Trên trang tư vấn dành cho người Thụy Điển ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ: "Công dân Thụy Điển ở Thổ Nhĩ Kỳ được yêu cầu cập nhật diễn biến của các sự kiện, tránh tụ tập đông người cũng như tham gia tuần hành… Dự kiến, các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra bên ngoài Đại sứ quán ở Ankara và Tổng Lãnh sự quán ở Istanbul trong những ngày tới."

[Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ, phản đối hành động xé kinh Koran tại Hà Lan]

Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau cuộc biểu tình tại Thụy Điển, trong đó chính khách cực hữu Rasmus Paludan đã đốt bản sao kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Vụ việc này đã dấy lên làn sóng chỉ trích tại nhiều nước có đông tín đồ Hồi giáo và ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển.

Trong khi đó, ngày 28/1, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết tiến trình xin gia nhập NATO của nước này đã tạm dừng.

Theo Tân Hoa xã, chia sẻ với tờ Expressen, Ngoại trưởng Billstrom nói: "Một số sự kiện xảy ra trong những tuần qua đã làm quá trình tạm thời phải dừng lại." Ông cũng cho biết thêm rằng Chính phủ Thụy Điển sẽ tập trung đầu tư cho lĩnh vực năng lượng và cần thời gian để thúc đẩy trở lại việc xin gia nhập NATO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.