Cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bộc lộ những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ quốc gia này, đồng thời là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bất ổn kéo dài mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt trong thời gian tới.
Có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước không ít lần xảy ra các cuộc đảo chính quân sự. Từ năm 1960 đến nay, không kể cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 vừa qua, tại nước này đã xảy ra sáu cuộc đảo chính quân sự, trong đó có bốn cuộc đảo chính thành công và hai cuộc đảo chính thất bại.
Đảo chính luôn khiến tình hình chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ bấp bênh và tác động tiêu cực tới hình ảnh của nước này trên trường quốc tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhận định của các chuyên gia, truyền thống văn hóa, lịch sử và tôn giáo luôn có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc một số chính trị gia sau khi trở thành lãnh đạo nhà nước đều công khai hoặc ngấm ngầm đưa một số giáo lý tôn giáo vào cương lĩnh chính sách của chính phủ đã dẫn tới cuộc đấu tranh giữa phái tự do thế tục và phái tôn giáo bảo thủ.
Bên cạnh đó, phần lớn đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở châu Á với lịch sử và văn hóa mang đậm màu sắc phương Đông, nhưng nhiều người lại coi họ là một quốc gia châu Âu và một thành viên của thế giới phương Tây khiến khuynh hướng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng dao động giữa phương Đông và phương Tây.
Một khi chính sách của nhà nước quá nghiêng về một bên nào đều có thể dẫn tới rối loạn chính trị. Khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thường sẽ can thiệp vào chính trường.
Ngoài ra, một trong những tác nhân khác là tình hình an ninh bất ổn trong thời gian qua ở Thổ Nhĩ Kỳ với hàng loạt vụ đánh bom liều chết cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường vô tội.
Một số phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tìm cách thiết lập mạng lưới "chân rết" bám rễ sâu vào xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất ổn an ninh khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành du lịch của quốc gia này điêu đứng, trong khi đồng nội tệ Lira giảm giá một nửa so với 12 tháng trước.
Hiện chưa thể chỉ đích danh phe phái nào đứng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua và mục đích cuối cùng của nó.
Tuy nhiên, chính quyền Ankara cáo buộc Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, đang sống lưu vong ở Mỹ, đứng sau vụ việc trên , cho dù ông Gulen đã lên tiếng bác bỏ.
Phong trào Gulen là một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sỹ Fethullah Gulen.
Còn có tên gọi khác là Hizmet (Phụng sự), phong trào này thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, kể cả các cảnh sát trưởng và công tố viên phụ trách những cuộc điều tra chống tham nhũng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan từ lâu đã nhận ra rằng phong trào Gulen đã trở nên quá mạnh, trở thành một "nhà nước trong nhà nước" theo cách gọi của ông.
Sau khi nhanh chóng đập tan cuộc đảo chính và củng cố quyền lực, Tổng thống Erdogan cam kết sẽ thanh lọc quân đội và đưa các nghi can ra trước vành móng ngựa.
Chỉ trong vài ngày, hơn 7.500 binh lính, thẩm phán, công tố viên đã bị tạm giữ, gần 9.000 cảnh sát, hiến binh và viên chức đã bị sa thải.
Trong danh sách những người bị tạm giữ còn có 103 viên tướng và đô đốc hải quân, trong đó có hai người bị nghi ngờ cầm đầu âm mưu đảo chính.
Tổng thống Erdogan đã thể hiện sự cứng rắn khi tuyên bố sẽ diệt "tận gốc mầm mống nổi loạn." Tuy nhiên, mọi thách thức dường như mới chỉ là bắt đầu và hệ lụy của cuộc đảo chính vẫn đang chi phối chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Không ít chuyên gia dự báo rằng chiến dịch thanh lọc dữ dội mà ông Erdogan đang triển khai sẽ châm ngòi cho làn sóng biểu tình, tuần hành trong những ngày tới.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo chiến dịch trấn áp sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội và làm rời rạc sự phối hợp tác chiến.
Việc bắt và tống giam các sỹ quan chỉ huy chiến đấu cũng như các sỹ quan phụ trách hậu cần có nguy cơ đẩy quân đội vào tình trạng vô tổ chức.
Các kế hoạch đào tạo sẽ bị đảo lộn vì các cuộc diễn tập định kỳ bị hoãn hoặc hủy bỏ. Tâm lý hoài nghi sẽ lan rộng.
Việc lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn do chính phủ cải tổ các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát.
Cuộc đảo chính cũng gây ra lo ngại cho giới đầu tư về sự ổn định chính trị cũng như tính bền vững của nền kinh tế và hệ thống tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau những thiệt hại do căng thẳng trong quan hệ với Nga, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo sợ, đặc biệt những nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu (EU).
Một trong những hậu quả tiêu cực từ âm mưu đảo chính bất thành không chỉ là sự bất ổn tỷ giá đồng nội tệ mà còn làm trầm trọng hơn những đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm và làm giảm tính hấp dẫn đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dự báo, nguồn tiền đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Dòng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa chắc phục hồi trong năm nay.
Hiện tại, số lượng khách du lịch tới nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa sống còn đối với cấu trúc an ninh châu Âu và Trung Đông bởi đây là nơi phải trực tiếp gánh vác trách nhiệm giải quyết làn sóng người tị nạn từ Syria tràn sang trước khi tìm đường vào châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi các máy bay chiến đấu của đồng minh xuất kích trong những phi vụ tiêu diệt IS ở Syria và Iraq.
Mặc dù cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua không làm thay đổi bất cứ thỏa thuận hợp tác nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh, song cũng khiến giới hoạch định chính sách phương Tây lo ngại và chuẩn bị những phương án để chủ động ứng phó với tình huống một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lâm vào khủng hoảng chính trị, đe dọa phá vỡ cấu trúc an ninh khu vực.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng có thể trở nên căng thẳng hơn liên quan tới đề nghị của Ankara dẫn độ giáo sỹ Gulen.
Thách thức lớn đặt ra hiện nay là Tổng thống Erdogan cùng Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền sẽ vượt qua khó khăn như thế nào để nhanh chóng ổn định tình hình.
Bên cạnh chiến dịch thanh lọc nhằm vào lực lượng phản loạn, Tổng thống Erdogan cũng cần chứng tỏ khả năng chèo lái đất nước hướng tới sự đoàn kết nội bộ và một lộ trình hòa bình hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ./.