Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa cho phép hàng triệu người tị nạn hướng tới châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa nếu EU chỉ trích việc Ankara tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria thì họ sẽ cho phép hàng triệu người tị nạn hướng tới châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa cho phép hàng triệu người tị nạn hướng tới châu Âu ảnh 1Người dân Syria sơ tán sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã lên án việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa cho phép hàng triệu người tị nạn hướng tới châu Âu nếu Brussels chỉ trích việc Ankara tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria.

Phát biểu trong chuyến thăm Cyprus, Chủ tịch Tusk nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ phải hiểu rằng mối quan ngại chính của chúng tôi là những hành động của họ có thể dẫn tới một thảm họa nhân đạo khác, điều này là không thể chấp nhận được… "

Ông khẳng định EU không bao giờ chấp nhận việc người tị nạn bị coi là vũ khí và bị lợi dụng để gây áp lực. Đó là nguyên nhân khiến ông cho rằng lời đe dọa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn không phù hợp.

[Tổng thống Nga cảnh báo hậu quả từ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ]

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin khẳng định EU sẽ không bỏ qua tình hình nghiêm trọng hiện nay đang tác động đến người dân, các lực lượng tại Syria và ổn định khu vực.

Do đó, cuộc họp tuần tới của Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các chiến dịch quân sự tại Syria.

Cùng ngày, Đài Phát thanh nhà nước Thụy Điển đưa tin Quốc hội nước này đã quyết định sẽ thúc đẩy một lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị Ngoại trưởng EU, dự kiến diễn ra vào ngày 14/10 tới.

Trước đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định tình hình và tiềm ẩn những hậu quả nhân đạo lớn, không chỉ đối với người Kurd.

Theo bà Linde, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải ngay lập tức giải quyết vấn đề này.

Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9/10, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria.

Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria hiện đã bước sang ngày thứ ba.

Theo các số liệu cập nhật, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR- có trụ sở tại Anh) cho biết ít nhất 29 thành viên của lực lượng người Kurd và 10 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số 228 thành viên thuộc lực lượng người Kurd thiệt mạng. Theo Ủy ban Cứu trợ quốc tế, 64.000 người ở Syria đã phải đi sơ tán.

Ngày 11/10, lực lượng người Kurd cho biết sẽ tiến hành sơ tán khu tạm trú dành cho 7.000 người phải dời bỏ nhà cửa tại miền Bắc Syria ở Mabrouka.

Các cuộc thảo luận về việc sơ tán khu tạm trú thứ hai Ain Issa với 13.000 người, trong đó có 785 người là thân nhân các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng đang diễn ra.

Trong khi đó, bệnh viện công duy nhất tại Đông Bắc Syria đã buộc phải đóng cửa sau khi đa số các nhân viên tại đây đã sơ tán trong 24 giờ qua.

Trước tình hình giao tranh leo thang, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và các bên kiềm chế.

Bộ này khẳng định điều quan trọng là không để tình hình thêm bất ổn, nhấn mạnh những gì đang xảy ra là mối quan ngại nghiêm trọng nhất.

Nga cũng kêu gọi tổ chức đối thoại giữa Chính phủ Syria và các lực lượng người Kurd, nêu rõ Moskva sẵn sàng hỗ trợ thúc đẩy một cuộc đối thoại như vậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.