Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất nối lại đàm phán hòa bình với PKK

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/1 đã kêu gọi đảng Công nhân người Kurd (PKK) giải giáp vũ khí vào ngày 21/3, nhân năm mới của người Kurd, đồng thời khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất nối lại đàm phán hòa bình với PKK ảnh 1Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hỏng trong xung đột tại Diyarbakir ngày 19/8. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/1 đã kêu gọi đảng Công nhân người Kurd (PKK) giải giáp vũ khí vào ngày 21/3, nhân năm mới của người Kurd, đồng thời khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt ba thập kỷ xung đột.

Phát biểu trên kênh truyền hình tư nhân A Haber, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yalcin Akdogan cho biết chính phủ nước này ủng hộ tiến trình hòa bình với PKK. Đại diện Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ tiến trình này hiện vẫn đang đi đúng hướng và các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Theo ông Akdogan, thủ lĩnh PKK đang bị giam giữ Abdullah Ocalan cần kêu gọi các tay súng PKK hạ vũ khí và chấm dứt hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, như đã từng làm hồi năm 2013 đúng dịp năm mới của người Kurd (còn gọi là Newroz).

Tháng 3/2013, ông Abdullah Ocalan đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn lịch sử với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm xung đột làm khoảng 40.000 người thiệt mạng, đồng thời kêu gọi các thành viên PKK hạ vũ khí và rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã bị đình trệ vào tháng 9/2013 sau khi PKK cáo buộc Ankara không thực hiện những cải cách như đã cam kết.

Thời gian gần đây, hai bên đã có những động thái nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng người Kurd liên quan tới chính sách của Ankara trong việc chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thị trấn Kobane ở Syria, cũng như tình hình bạo lực gia tăng ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã cản trở tiến trình này.

PKK bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, vì đã tiến hành cuộc đấu tranh bạo lực từ năm 1984 nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.