Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp sẵn sàng khởi động đàm phán về tranh chấp trên biển

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ động lực đàm phán cần được đảm bảo bằng cách thiết lập đối thoại và nên được duy trì bằng những hành động "có đi có lại."
Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp sẵn sàng khởi động đàm phán về tranh chấp trên biển ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (thứ 3, trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (thứ 3, phải) trong cuộc hội đàm ở Watford, London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã nhất trí sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán mang tính chất thăm dò nhằm giải quyết các tranh chấp song phương tại khu vực biển thuộc Đông Địa Trung Hải và Aegean.

Tuyên bố trên được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/9.

Trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ động lực đàm phán đó cần được đảm bảo bằng cách thiết lập đối thoại và nên được duy trì bằng những hành động "có đi có lại."

Ông đồng thời bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 24 và 25/9 tới sẽ mang lại động lực mới cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU, bổ sung các bước đi cụ thể về cập nhật liên minh thuế quan giữa hai bên, du lịch miễn thị thực và vấn đề di cư sẽ giúp gắn kết mối quan hệ song phương dựa trên cơ sở tích cực.

Mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng liên quan một số vấn đề, trong đó có việc Ankara triển khai tàu Oruc Reis tới thăm dò dầu khí và tiếp đó là các tàu chiến tới khu vực Đông Địa Trung Hải, nơi nước này đang tranh chấp chủ quyền cùng hai quốc gia thành viên của EU là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp.

Căng thẳng được đẩy lên cao độ khi các bên đã tổ chức tập trận quân sự để phô trương lực lượng ở phía Đông Địa Trung Hải, cụ thể Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus - khiến những tranh chấp có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự.

Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần tới, trong đó việc Pháp ủng hộ Hy Lạp và Cyprus về khả năng áp đặt trừng phạt với Ankara. Tuy nhiên, quyết định về các biện pháp trừng phạt đối với Ankara cần có sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.

[Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nỗ lực đàm phán tháo gỡ căng thẳng]

Đức - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đang nỗ lực dàn xếp giữa các bên liên quan, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tiến hành các cuộc tham vấn để tránh việc hai nước thành viên của liên minh xảy ra xung đột quân sự như đã từng gặp phải năm 1996 tại một số hòn đảo tranh chấp.

Trong thông điệp thường niên của EU trình bày trước Nghị viện châu Âu ngày 16/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khuyến cáo Thổ Nhĩ Kỳ không tìm cách đe dọa Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan các nguồn tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.

Bà von der Leyen nhấn mạnh Ankara là đối tác chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận người tị nạn, song điều này không phải là cái cớ để bào chữa cho việc đe dọa các nước láng giềng.

Mặt khác, bà von der Leyen cũng khẳng định Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus có thể tin tưởng vào "sự đoàn kết trọn vẹn của châu Âu trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền hợp pháp của hai nước này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.