Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO chia sẻ tin tức tình báo để chống khủng bố

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, hiện vẫn tồn tại sự phân biệt "khủng bố của tôi và khủng bố của bạn," do đó NATO cần đoàn kết và chia sẻ các tin tức tình báo.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO chia sẻ tin tức tình báo để chống khủng bố ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng chủ nghĩa khủng bố là vấn đề toàn cầu, các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu tại thủ đô Ankara ngày 24/5, trước khi lên đường sang Brussels (Bỉ) dự hội nghị thượng đỉnh của NATO, Tổng thống Erdogan nêu rõ các cuộc tấn công khủng bố mới đây tại Nga, Thụy Điển, Pháp và Anh cho thấy chủ nghĩa khủng bố đã trở thành vấn đề toàn cầu. Vì vậy, các nước thành viên NATO phải thừa nhận đang đối mặt với "cùng mối đe dọa".

Ông nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố không phải là vấn đề của một quốc gia mà là vấn đề toàn cầu, đòi hòi các giải pháp đồng bộ thông qua hợp tác toàn cầu.

[HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về vấn đề chống khủng bố]

Theo nhà lãnh đạo Ankara, vẫn tồn tại sự phân biệt "khủng bố của tôi và khủng bố của bạn," do đó, "thuốc giải" trong cuộc chiến chống khủng bố đó là "đoàn kết," trong đó việc chia sẻ các tin tức tình báo một cách nhanh chóng là điều bắt buộc.

Trong khi đó, phát biểu về quan hệ với EU, Tổng thống Erogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không theo đuổi việc phá vỡ EU, song liên minh này phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hướng tới mục tiêu gia nhập EU và tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ-EU để cùng thảo luận về tương lai mối quan hệ này. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương đã trở nên đặc biệt căng thẳng khi các nhà lãnh đạo châu Âu bất đồng trước cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi Hiến pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Tư vừa qua, vốn được xem là động thái nhằm gia tăng quyền lực cho ông Erdogan.

Trong khi đó, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO đã trở nên căng thẳng sau khi Mỹ quyết định hỗ trợ vũ trang cho người Kurd thuộc lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn coi là một tổ chức khủng bố.

Ngoài ra, Mỹ đã từ chối dẫn độ Giáo sỹ Fethullah Gulen đang sống tại Mỹ, đối tượng bị Tổng thống Erdogan cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.