Thổ Nhĩ Kỳ nối lại chiến dịch không kích các mục tiêu PKK

Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tái khởi động chiến dịch không kích vào các mục tiêu của các tay súng đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ nối lại chiến dịch không kích các mục tiêu PKK ảnh 1Các tay súng PKK trong cuộc xung đột với binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ tại Bismil, Diyarbakir ngày 28/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/11, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tái khởi động chiến dịch không kích vào các mục tiêu của các tay súng đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq.

Theo nguồn tin từ lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ, tối 5/11, các máy bay tiêm kích nước này đã được điều động tới căn cứ không quân ở tỉnh Diyarbakir, bắt đầu thực hiện các chuyến xuất kích quanh khu vực biên giới thuộc huyện Semdinli ở tỉnh Hakkairi, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện Ankara vẫn chưa báo cáo tình hình ở khu vực biên giới và mục tiêu của hành động trên.

Trước đó cùng ngày, PKK tuyên bố chấm dứt việc ngừng bắn đơn phương, vốn được tổ chức này thông báo đầu tháng 10 trước thềm cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra ngày 1/11 vừa qua.

Theo PKK, quyết định ngừng đơn phương đã được công bố không còn hiệu lực khi chính quyền Ankara công khai thừa nhận không thay đổi chính sách quân sự.

Hôm 4/11, sau khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ tiếp tục hành động quân sự nhằm "tiêu diệt" lực lượng này.

Đụng độ giữa quân đội Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng PKK gia tăng kể từ cuối tháng 7 vừa qua khi chính phủ liên tục mở các cuộc truy quét nhằm vào các căn cứ của PKK ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Iraq, làm hàng trăm tay súng người Kurd thiệt mạng.

Đáp lại, các tay súng PKK cũng liên tục trả đũa bằng những vụ tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát và quân đội chính phủ, khiến hơn 100 nhân viên an ninh thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.