Thổ Nhĩ Kỳ phản đối cáo buộc diệt chủng của Tổng thống Đức

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chính thức khẳng định “nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quên và không tha thứ cho những phát biểu của Tổng thống Gauck.”
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối cáo buộc diệt chủng của Tổng thống Đức ảnh 1Những bằng chứng về thảm họa diệt chủng mà người Armenia phải hứng chịu. (Nguồn: usatoday.com)

Những phát biểu gần đây của giới lãnh đạo Đức, đặc biệt là của Tổng thống Joachim Gauck về việc Đế chế Ottoman phạm tội ác diệt chủng đối với người Armenia trong Thế chiến I đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Tối 24/4, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chính thức khẳng định “nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quên và không tha thứ cho những phát biểu của Tổng thống Gauck.”

Tuyên bố cũng chỉ trích ông Gauck không có quyền để phán xét dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ có tội hay không có tội đối với những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời cảnh báo về "những ảnh hưởng tiêu cực" do các tuyên bố của ông Gauck đối với quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, hôm 23/3, trong bài phát biểu tại Nhà thờ lớn ở thủ đô Berlin tưởng niệm các nạn nhân người Armenia bị tàn sát trong Thế chiến I, Tổng thống Đức Gauck đã cho rằng “người Armenia là nạn nhân của tội ác giết người hàng loạt, của sự xua đuổi và thủ tiêu các dân tộc thiểu số, hay nói cách khác là sự diệt chủng."

Ông Gauck cũng bày tỏ quan điểm rằng đế chế Ottoman khi đó đã theo đuổi "xu hướng diệt chủng" đối với nạn nhân là dân tộc Armenia, đồng thời thừa nhận đế chế Đức cũng có trách nhiệm trong việc này.

Sau Tổng thống Gauck, Chủ tịch Hạ viện Đức Nobert Lammert sáng 24/4 cũng phát biểu trước Hạ viện nước này cho rằng Đế chế Ottoman đã phạm tội ác diệt chủng với người Armenia trong Thế chiến I.

Những phát biểu của Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Đức đang trở thành chủ đề tranh luận gay gắt tại Đức và nhiều chính trị gia lo ngại nó có nguy cơ gây ra những căng thẳng ngoại giao không cần thiết cho Đức.

Trong khi đó, lãnh đạo Chính phủ Đức đến nay chưa thể hiện bất kỳ quan điểm nào xung quanh những gì đã xảy ra đối với người Armenia trong Thế chiến I./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.