Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm tham gia chiến dịch chống IS ở Mosul

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết sẽ thực hiện một "kế hoạch B" nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không có mặt trong chiến dịch chống IS tại thành phố Mosul của Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm tham gia chiến dịch chống IS ở Mosul ảnh 1Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)

Theo Reuters, ngày 14/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định nước này quyết tâm tham gia chiến dịch đã được lên kế hoạch của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Mosul của Iraq.

Ông Erdogan cũng cho biết sẽ thực hiện một "kế hoạch B" nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không có mặt trong chiến dịch này.

Phát biểu tại thành phố Konya, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trình bày ý định tham gia chiến dịch trên với các đồng minh quốc tế trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thông tin về kế hoạch thay thế.

Cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Ankara và Baghdad trở nên trầm trọng hơn sau khi hồi cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đưa quân vào thị trấn Bashiqa, nằm gần thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul do IS chiếm đóng.

Hành động trên của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự lên án và chỉ trích gay gắt của chính quyền Iraq. Dư luận khu vực lo ngại cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể kéo theo những tác động bất lợi nghiêm trọng đối với cuộc chiến chống IS mà cả hai nước đều cùng tham gia.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã liên tiếp yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân, đồng thời tuyên bố Chính phủ Iraq không cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chiến dịch giải phóng Mosul bởi kế hoạch triển khai quân của Ankara vi phạm chủ quyền của Iraq.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì khoảng 2.000 binh sỹ tại Iraq, trong đó có 500 quân đồn trú tại Bashiqa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện các tay súng địa phương, được truyền thông Ankara đưa tin là sẽ tham gia các chiến dịch giải phóng Mosul./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.