Ngày 17/4, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một dự luật gây tranh cãi, theo đó tăng cường quyền lực và quyền miễn trừ đối với cơ quan tình báo của quốc gia này.
Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt cải cách do đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đưa ra và vấp phải sự phản đối gay gắt từ dư luận và chính giới nước này.
Theo dự luật vừa được thông qua, Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) có khả năng được phép tiến hành các chiến dịch bí mật, tiếp cận nhiều hơn với các dữ liệu cá nhân của mỗi công dân, đồng thời đưa ra các mức án tù đối với những người công khai các tài liệu mật.
Mặc dù chính quyền Ankara khẳng định điều chỉnh trên giúp cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cho phép đáp ứng được “các yêu cầu mới về chính sách an ninh và đối ngoại”, song các đảng đối lập nước này cho rằng dự luật trao nhiều quyền lực hơn cho MIT có thể biến Thổ Nhĩ Kỳ thành quốc gia chuyên đi giám sát, và cam kết sẽ tìm cách hủy bỏ dự luật này tại Tòa án Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, tháng 2 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul ký ban hành Đạo luật cải cách ngành tư pháp do Thủ tướng Erdogan đề xuất, bất chấp sự phản đối của phe đối lập và các nhóm nhân quyền. Tuy nhiên, ngày 11/4, Tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ bác phần gây tranh cãi nhất trong đạo luật cải cách ngành tư pháp, khẳng định điều khoản dành cho Bộ Tư pháp nhiều quyền hơn trong quá trình bổ nhiệm các công tố viên và thẩm phán là vi hiến. Quyết định được đưa ra sau khi nghị sỹ đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập gửi kháng cáo lên tòa này.
Thủ tướng Erdogan đang đối mặt với làn sóng biểu tình đòi ông từ chức sau khi một đoạn băng ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa ông và con trai về kế hoạch giấu một lượng lớn tiền mặt được phát tán trên mạng Internet. Sức ép đòi ông Erdogan từ chức càng gia tăng sau khi Tổng thống Abdullah Gul ngày 26/2 vừa qua ký phê chuẩn luật siết chặt quyền kiểm soát của chính phủ đối với ngành tư pháp, văn bản được xem là đòn đáp trả cuộc điều tra tham nhũng./.