Chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” sau một tuần triển khai đã thu được những kết quả nhất định, đặc biệt trong mục tiêu chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, song hành động can dự này cũng đang tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với khu vực khi Ankara đưa quân vào nước láng giềng mà chưa được sự cho phép của chính quyền Syria.
Với lý do tăng cường an ninh biên giới và chống khủng bố, bên cạnh các cuộc không kích và pháo kích, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động khá nhiều xe tăng, xe bọc thép và lực lượng đặc nhiệm tràn qua biên giới quốc gia láng giềng Syria.
Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ nước láng giềng kể từ khi xung đột vũ trang bùng phát tại Syria hơn 5 năm trước.
Cùng sự phối hợp của các lực lượng đối lập Syria thân Ankara, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng giành được thị trấn chiến lược Jarablus nằm ở biên giới Syria do IS kiểm soát mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là có tầm quan trọng đối với an ninh nước này. Kết quả ban đầu ít nhiều gây tổn thất rất lớn cho IS, chặn bước IS mở rộng sự bành trướng tại khu vực miền Bắc Syria, ngăn các tay súng thâm nhập lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó góp phần vào thành công của cuộc chiến chống IS nói chung tại Syria do chính quyền Damacus đang tiến hành, với sự hỗ trợ đắc lực của không quân Nga, cũng như các chiến dịch không kích IS của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, hành động can dự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính quyền Damascus bởi “danh chưa chính, ngôn chưa thuận” của chiến dịch quân sự này. Rõ ràng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Syria mà chưa được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus.
Chính quyền Syria đã chỉ trích hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đây là “hành vi xâm phạm chủ quyền trắng trợn” và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức “hành động gây hấn” này. Dù là nhằm chống khủng bố, đặc biệt là các tay súng IS tại Syria, song khi chưa có sự chấp thuận và phối hợp của chính quyền Damascus, hành động tự ý đưa quân vào một quốc gia có chủ quyền sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc bởi nó đi ngược lại những quy định của luật pháp quốc tế.
Hơn thế nữa, Ankara cũng thừa nhận mục tiêu của chiến dịch không chỉ nhằm vào IS mà Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn ngăn chặn bước tiến của lực lượng người Kurd vốn đang kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn dọc biên giới hai nước và cũng đang tham gia chống IS tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sự yếu thế của IS có thể là cơ hội để các tay súng thuộc lực lượng "Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd" (YPG) - nhánh vũ trang của đảng "Liên minh Dân chủ người Kurd" (PYD), có thể mở rộng phần lãnh thổ kiểm soát dọc biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó xúc tiến kế hoạch thành lập một "khu tự trị của người Kurd" ở Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lâu nay, Ankara vẫn đối đầu với các tay súng người Kurd, coi đây là một mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, đảng PYD ở Syria vốn có quan hệ chặt chẽ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã tiến hành chiến dịch quân sự chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Vì vậy, chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates” cũng đồng nghĩa với việc Ankara muốn đẩy lùi lực lượng YPG trở lại bờ Đông sông Euphrates, tạo hành lang an toàn ở biên giới. Trong vài ngày qua, đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng người Kurd ở miền Bắc Syria đã từng bước leo thang, gây thương vong cho cả hai bên.
Tuy nhiên, mục tiêu này của Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra mâu thuẫn với chính sách của Mỹ, bởi Washington cũng đang phối hợp với các tay súng người Kurd, trong đó YPG là đồng minh chính của liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại IS tại miền Bắc Syria. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria rất có thể biến thành một cuộc xung đột mới với lực lượng người Kurd. Khi đó, mục tiêu chống IS sẽ bị Ankara coi nhẹ, cuộc chiến ở Syria càng trở nên phức tạp và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gặp nhiều rủi ro lớn nếu kéo dài chiến dịch quân sự.
Không có sự phối hợp của chính quyền Damascus, chiến dịch quân sự lại mang “mục tiêu kép”, dẫn tới không thể tập trung, khó xác định chính xác vị trí tấn công. Nguy cơ cao nhất là thiệt hại về dân thường vì IS thường dùng dân thường để làm “lá chắn sống”. Những thống kê chưa đầy đủ cho thấy sau khoảng 1 tuần, số dân thường Syria thiệt mạng trong các vụ không kích và nã pháo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đã lên tới hơn 50 người, trong khi hơn 100 người bị thương.
Những rủi ro của chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tại miền Bắc Syria đã hiện hữu và ngày càng khó lường. Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc Ankara điều động xe tăng và thiết giáp tấn công các mục tiêu người Kurd ở bên trong lãnh thổ Syria. Nga cảnh báo chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đồng thời khiến cho cuộc đối đầu sắc tộc giữa người Kurd và người Arab leo thang. Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi chấm dứt giao tranh giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm đối lập ở miền Bắc Syria, phối hợp hành động tập trung chống IS, đồng thời nhấn mạnh rằng tình trạng giao tranh và không phối hợp hành động ở khu vực này tạo điều kiện cho IS mở rộng hoạt động.
Trên thực tế, sự bành trướng của IS trong khu vực cũng như cuộc xung đột dai dẳng ở Syria đang kéo theo những hệ quả thảm khốc trên diện rộng, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất.
Với vai trò và vị trí chiến lược của mình, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống IS tại khu vực Trung Đông cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, có vẻ những toan tính về lợi ích đang khiến Ankara chưa tìm được tiếng nói chung với các bên ở Syria cũng như các bên liên quan để phối hợp đạt được mục tiêu này. Nếu không cân nhắc và phối hợp hài hòa với các bên, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria có nguy cơ trở nên "lợi bất cập hại", không những ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS tại Syria mà còn gây hại cho chính Ankara./.