Thổ Nhĩ Kỳ: Tiến trình gia nhập EU còn nhiều khó khăn

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara luôn hy vọng trở thành thành viên đầy đủ của EU, tuy nhiên hiện nước này đang phải đối mặt với "nhiều trở ngại chính trị" từ EU.
Thổ Nhĩ Kỳ: Tiến trình gia nhập EU còn nhiều khó khăn ảnh 1Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/11, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp ngoại giao cấp cao tại thủ đô Ankara, một động thái báo hiệu sự khởi động lại các cuộc đối thoại song phương về tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, con đường để Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành thành viên đầy đủ của EU xem chừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do "trở ngại chính trị.”

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp Đối thoại Chính trị Cấp cao với nhiều quan chức cấp cao EU tại Ankara, trong đó có Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara luôn hy vọng trở thành thành viên đầy đủ của EU, tuy nhiên hiện nước này đang phải đối mặt với "nhiều trở ngại chính trị" từ EU.

Người đứng đầu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh việc tạo ra những trở ngại chính trị như vậy đang gây cản trở cho không chỉ đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, thịnh vượng và ổn định chính trị của EU. Ngoại trưởng Cavusoglu cũng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước đẩy mạnh cải cách chính trị, một ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính quyền Ankara nhằm bình thường hóa Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc bầu cử.

[EU bày tỏ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ các nhà báo và học giả]

Do đó, EU cần phải thực hiện đầy đủ cam kết và nghĩa vụ của mình đối với thỏa thuận người di cư ký năm 2016, bao gồm miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, nối lại các cuộc đàm phán nhanh về việc gia nhập EU và hỗ trợ tài chính cho người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng nhận được sự trợ giúp cụ thể và nhiều hơn từ các nước thành viên EU trong nỗ lực chống khủng bố.

Về phần mình, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã hoan nghênh quyết định hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ với EU, đồng thời cho biết EU mong muốn tham gia nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm lĩnh vực năng lượng, nạn buôn người và kinh tế.

Bên cạnh đó, bà Mogherini cũng khẳng định EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng của khối, đặc biệt trong một bối cảnh địa chính trị rất phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, cũng trong phát biểu của mình, bà Mogherini cũng nhấn mạnh sự quan ngại sâu sắc của EU về những vụ bắt giữ hàng loạt nhà báo và giới học giả gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà kêu gọi Ankara tuân theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu trong tuần này và sớm thả tự do cho ông Selahattin Demirtas, một chính trị gia ủng hộ người Kurd.

Những chỉ trích trên của bà Mogherini đã ngay lập tức bị Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ khi cho rằng điều đó thật vô nghĩa đối với EU để bảo vệ những người

đang cố thực hiện các hành động lật đổ chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản bởi vì họ là những thành viên xã hội dân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có tham vọng gia nhập EU, song tới tháng 10/2005, các cuộc đàm phán về quy chế thành viên với Ankara mới được bắt đầu. Tuy nhiên tiến trình này đã lâm vào bế tắc kể từ khi chính quyền Ankara mạnh tay trấn áp sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016, một động thái vấp phải sự phản đối từ nhiều tổ chức quốc tế và các nước phương Tây, trong đó có các nước thành viên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.