Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực thi các lệnh trừng phạt Iran

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực thi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt đối với Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực thi các lệnh trừng phạt Iran ảnh 1Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối thực thi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt đối với Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc.

Ngày 24/7, trả lời phỏng vấn về buổi tiếp phái đoàn của Bộ Tài chính Mỹ thăm Ankara tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định lập trường kiên quyết của Ankara không thực hiện các lệnh trừng phạt đó.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ này cũng cho biết Ankara đã cảnh báo Washington rằng việc áp đặt trừng phạt là một hành động sai lầm.

Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran vốn đã được dỡ bỏ trước đó.

[Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ngăn ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran]

Quyết định đơn phương trên đã vấp phải sự phản đối của các bên tham gia ký kết JCPOA cũng như cộng đồng thế giới.

Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo các nhà phân tích khu vực, nếu các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, việc nối lại hoạt động làm giàu urani của Iran là “gần như chắc chắn” và sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh báo.”

Khi ấy, những nỗ lực nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông cũng như ngăn chặn việc phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng “đi vào ngõ cụt.”

Thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh và sự ổn định của Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.