Ngày 29/9, cố vấn truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Altun nhấn mạnh tuyên bố của một quan chức Armenia, trong đó nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Armenia là "hoàn toàn không đúng."
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng bác bỏ thông tin nói rằng một máy bay tiêm kích F-16 của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Su-25 của Armenia trên lãnh thổ Armenia trong ngày 29/9.
Các tuyên bố phản bác trên của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan được đưa ra sau khi cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo một máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Su-25 của Không quân Armenia.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia, Shushan Stepanyan, vụ việc xảy ra trong không phận Armenia khi máy bay của Không quân nước này đang thực hiện một nhiệm vụ quân sự. Phi công lái chiếc Su-25 đã thiệt mạng.
Diễn biến nay khiến tình hình căng thẳng tại khu vực Nagorny-Karabakh tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan đã bước sang ngày thứ 3 thêm phức tạp.
Tình hình tại khu vực Nagorny-Karabakh đang leo thang căng thẳng. Cộng đồng quốc tế đã liên tiếp bày tỏ quan ngại và hối thúc hai bên ngừng bắn, giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao.
Trước đó, ngày 28/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã yêu cầu Armenia chấm dứt việc "chiếm đóng" Nagorny-Karabakh và kêu gọi Armenia rời khỏi vùng lãnh thổ này vốn được quốc tế công nhận là thuộc Azerbaijan.
Theo Sputnik News, ngày 29/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan cả trên bàn đàm phán và trên chiến trường.
[Tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Không quân Armenia]
Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/9, Văn phòng Công tố Azerbaijan cho hay 12 dân thường của nước này đã thiệt mạng và 35 người khác bị thương do hỏa lực của Armenia.
Tuyên bố trên đánh dấu sự gia tăng đáng kể về những trường hợp thương vong là dân thường được ghi nhận do bùng phát xung đột giữa Azerbaijan và các lực lượng sắc tộc Armenia trên vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh./.