Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ giám sát thỏa thuận ngừng bắn Nagorny-Karabakh

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong đó lãnh đạo hai nước đã trao đổi về kế hoạch thành lập một trung tâm gìn giữ hòa bình chung nhằm giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ giám sát thỏa thuận ngừng bắn Nagorny-Karabakh ảnh 1Tổng thống Nga Putin và ông Erdogan (Nguồn: Getty)

Ngày 10/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo nước này và Nga sẽ cùng giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Erdogan đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về kế hoạch thành lập một trung tâm gìn giữ hòa bình chung nhằm giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh.

Tổng thống Erdogan cho biết trung tâm gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ được đặt tại địa điểm do phía Azerbeijan chỉ định. Ông đồng thời hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh là "bước đi đúng đắn" hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài.

[Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Armenia cam kết tuân thủ lệnh ngừng bắn]

Trước đó, Nga đã làm trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan sau hơn một tháng xảy ra giao tranh đẫm máu tại Nagorny-Karabakh. Ngày 10/11, Nga bắt đầu triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới đây giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn theo các điều khoản của thỏa thuận. Sứ mệnh của lực lượng này kéo dài 5 năm và có thể gia hạn. 

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.