Thổ Nhĩ Kỳ xoa dịu quan ngại của NATO về hệ thống phòng không S-400

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết nước này sẽ không tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga chế tạo vào hệ thống phòng không và an ninh của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ xoa dịu quan ngại của NATO về hệ thống phòng không S-400 ảnh 1Máy bay vận tải Nga chở các bộ phận của Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sau khi hạ cánh tại căn cứ không quân Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/11, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết nước này sẽ không tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga chế tạo vào hệ thống phòng không và an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hãng thông tấn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn lời ông Kalin phát biểu tại một hội nghị về chính sách đối ngoại ở Berlin (Đức) cho biết: "Chúng tôi vẫn đang làm việc về các chi tiết kỹ thuật. Hệ thống S-400 sẽ không được tích hợp vào hệ thống an ninh và hệ thống phòng không của NATO, mà sẽ vẫn là một hệ thống phòng thủ độc lập riêng biệt. Những quan ngại về vấn đề này có thể được xoa dịu."

[Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không cam kết ngừng triển khai S-400]

Trước đó cùng ngày, người đứng đầu tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev cho biết Moskva hy vọng ký một thỏa thuận cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm nhiều tổ hợp S-400 nữa trong nửa đầu năm 2020.

S-400 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400km. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD từ năm 2017, bất chấp Mỹ đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt. Lô hàng đầu tiên đã được giao hồi tháng 7 vừa qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Ankara sẽ triển khai S-400 từ mùa Xuân 2020 sau khi hệ thống được lắp đặt hoàn chỉnh và quá trình đào tạo nhân sự hoàn tất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.