Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine chính thức có hiệu lực từ 15/2

Thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 15/2 là bước đi đầu tiên trong kế hoạch hòa bình mong manh nhằm chấm dứt 10 tháng xung đột ở Ukraine.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine chính thức có hiệu lực từ 15/2 ảnh 1Quân đội Ukraine. (Nguồn: AFP)

Theo hãng AFP/Reuters, thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng Ukraine và phe ly khai đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2 và tiếng đạn pháo đã bất ngờ im tiếng vào đúng nửa đêm ở thành phố Donestk tại miền Đông Ukraine sau khi Tổng thống Ukraine Petro Peroshenko ra lệnh cho các lực lượng chính phủ ngừng bắn theo thỏa thuận hòa bình đã đạt được hôm 12/2.

Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch hòa bình mong manh nhằm chấm dứt 10 tháng xung đột ở miền Đông Ukraine.

Thỏa thuận ngừng bắn trên chính thức có hiệu lực và lúc nửa đêm giờ Ukraine (22 giờ GMT ngày 14/2) song giao tranh vẫn xảy ra trước thời điểm ngừng bắn có hiệu lực làm dấy lên nghi ngờ về việc khả năng thỏa thuận này có được tôn trọng hay không.

Thỏa thuận hòa bình này được xem là hy vọng tốt nhất để chấm dứt tình trạng bạo lực đã làm ít nhất 5.480 người thiệt mạng kể từ tháng 4/2014 song thái độ hoài nghi vẫn còn ở mức cao sau sự đổ vỡ của một thỏa thuận tương tự trước đó.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết trước đó ngày 14/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Đức Angele Merkel trong đó bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực ở Ukraine trong khi nhấn mạnh cần phải thực thi thỏa thuận ngừng bắn này.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho hay: "Tổng thống đã nói chuyện với Tổng thống Poroshenko để bày tỏ sự thương cảm đối với con số thiệt mạng do giao tranh đang tăng lên ở miền Đông Ukraine và sự quan ngại sâu sắc của ông đối với tình trạng bạo lực đang xảy ra, đặc biệt là ở khu vực trong và xung quanh Debaltseve."

Trong cuộc điện đàm với bà Merkel, ông Obama cảm ơn nhà lãnh đạo Đức đã hợp tác trong vấn đề này.

Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc đối với châu Âu nếu thỏa thuận ngừng bắn trên thất bại.

Phát biểu tại thủ đô Lima trong chuyến công du Nam Mỹ, Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng sẽ là "thiệt hại rất lớn" đối với châu Âu nếu các bên tham chiến vi phạm thỏa thuận ngừng bắn".

Theo hãng AFP, ngày 14/2, cả chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai đã cam kết tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.

Thủ lĩnh phe ly khai Ukraine Alexander Zakharchenko, người mà Kiev và Phương Tây xem là con rối của Phương Tây, đã ký một chỉ thị yêu cầu các tay súng ly khai tuân thủ "lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức" theo thời gian đã được đồng thuận nhưng cũng chỉ thị cũng cho lực lượng ly khai quyền đáp trả các cuộc tấn công "với toàn bộ sức mạnh và phương tiệ."

Một nhân vật cấp cao phe ly khai của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng cũng khẳng định lực lượng của họ sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn và rút các vũ khí hạng nặng.

Theo các điều khoản của thỏa thuận hòa bình, hai bên giao tranh có 2 ngày để bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.