Tại Hội thảo "Đánh giá kết quả bước đầu về thương lượng thỏa ước lao động tập thể ngành, nhóm doanh nghiệp" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/2, các đại biểu đều thống nhất với nhận định bước đầu thực hiện thỏa ước lao động tập thể ngành đã đạt được những kết quả tích cực.
Nhận thức của cả người sử dụng lao động và người lao động về vai trò của thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp và cấp ngành được nâng cao, góp phần hình thành giá cả sức lao động và thị trường lao động, góp phần thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa.
Ngành dệt may Việt Nam là đơn vị đầu tiên ký Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành vào năm 2010, trong đó ngành dệt may tỉnh Bình Dương được triển khai thực hiện thí điểm đầu tiên từ tháng 9/2011.
Cho đến nay, đã có 100 đơn vị với hơn 136.000 lao động tham gia Thỏa ước, tăng 45% số đơn vị, 51% số người lao động tham gia so với lần ký đầu tiên.
Trong đó, một số nội dung có lợi cho người lao động đã được các đơn vị tham gia triển khai thực hiện như mức lương, tiền ăn, thu nhập tối thiểu, chế độ phụ cấp hỗ trợ…
Trong thời gian tới, các công đoàn ngành dệt may tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chuẩn bị triển khai.
Thỏa ước lao động tập thể các ngành khác cũng chuẩn bị thực hiện, trong đó ngành xây dựng, ngành cao su đang tiến hành xây dựng khung thỏa ước.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Việt Nam nhận định trong ba năm triển khai thỏa ước lao động tập thể, ngành dệt may Việt Nam hầu như không có đơn vị nào xảy ra tranh chấp lao động nghiêm trọng dẫn đến đình công, ngưng việc tập thể, tỷ lệ biến động lao động giảm.
Đại diện Công đoàn ngành dệt may tỉnh Bình Dương cho biết từ khi ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành, tất cả các đơn vị tham gia đều không xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công.
Thỏa ước là bản cam kết về các chính sách trong sử dụng lao động, tạo sự thống nhất giữa các doanh nghiệp với các công đoàn cơ sở, giúp người lao động cũng như doanh nghiệp an tâm hơn để phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, theo các đại biểu việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể ngành cũng còn nhiều khó khăn do đây còn là hình thức khá mới đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Do vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia cũng còn nhiều trở ngại, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia nhưng có một số nội dung trong thỏa ước chưa đạt…
Theo ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), việc triển khai ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành là điều quan trọng và cần thiết, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Người lao động được bảo đảm quyền lợi tốt hơn, thúc đẩy nâng cao trách nhiệm các bên trong chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời hạn chế tình trạng tranh chấp lao động và đình công.
Hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Dự án hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và thúc đẩy thanh tra lao động vững mạnh tại Việt Nam (Bộ Lao động Mỹ) phối hợp tổ chức./.
(TTXVN)