Thời tiết diễn biến ra sao trong 3 tháng đầu năm 2024?

Trong 3 tháng đầu năm 2024, không khí lạnh có khả năng yếu hơn, song người dân vẫn cần phải đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và băng giá.

khong-khi-lanh-8238.png
Trong 3 tháng đầu năm 2024, hoạt động của không khí lạnh có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 3 tháng đầu năm 2024, hoạt động của không khí lạnh có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Thông tin cụ thể, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho hay từ tháng 1-3/2024, El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) vẫn tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%.

Với xu thế thời tiết trên, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo trong ba tháng đầu năm 2024, trên phạm vi toàn quốc, dự báo nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Cũng trong ba tháng đầu năm, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Hoạt động của không khí lạnh có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên số ngày rét đậm, rét hại ở mức thấp hơn.

“Tuy nhiên, khoảng thời gian từ tháng 1-2/2024, người dân cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ,” ông Lâm lưu ý.

Ngoài ra, trong thời kỳ dự báo trên, số ngày mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong các đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống.

Về xu thế mưa, ông Lâm dự báo trong ba tháng đầu năm 2024, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm; trong đó tổng lượng mưa tháng Một phổ biến cao hơn 15-30mm, tháng Hai phổ biến cao hơn 20-50mm, tháng Ba phổ biến cao hơn 40-80mm.

kttv-1110.jpg
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng Một phổ biến từ 20-50mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh-Quảng Nam từ 70-130mm (cao hơn từ 5-20mm so với trung bình nhiều năm); trong tháng Hai phổ biến từ 15-30mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Nam phổ biến từ 40-80mm; tháng Ba phổ biến 30-70mm, riêng khu vực từ Đà Nẵng - Bình Thuận khoảng 20-40mm (thấp hơn 5-15mm so với trung bình nhiều năm).

Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 1-2/2024, thời tiết phổ biến ít mưa. Tổng lượng mưa tháng Ba tại các khu vực này phổ biến khoảng từ 15-30mm (thấp hơn 5-15mm so với trung bình nhiều năm).

Tại lưu vực sông Mekong, tổng lượng mưa trong tháng Một tại khu vực thượng lưu phổ biến cao hơn từ 20-40%; tháng Hai phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, tổng lượng mưa trong tháng Hai ở khu vực hạ lưu thấp hơn từ 30-60% so với trung bình nhiều năm.

Với diễn biến lượng mưa trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 3/2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Mực nước sông Cửu Long cũng được dự báo sẽ biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần.

“Theo đó, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Do vậy, các địa phương cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn,” ông Lâm nhấn mạnh.

Trong giai đoạn tiếp theo, từ tháng 4-6/2024, cơ quan khí tượng dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng của thủy triều với xu thế xuống dần và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,05-0,2m.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng tương đương năm 2020-2021, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục