Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối đã đạt mức kỷ lục 53 tỷ USD

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, quỹ dự trữ ngoại hối đã đạt mức lịch sử hơn 53 tỷ USD.
Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối đã đạt mức kỷ lục 53 tỷ USD ảnh 1Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH/Vietnam+)

Chiều ngày 9/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, quỹ dự trữ ngoại hối ở mức cao nhất trong lịch sử là đạt hơn 53 tỷ USD, góp phần quan trọng củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.

“Mức dự trữ ngoại hối cao này đặc biệt quan trọng trong việc củng cố uy tín và vị thế của Việt Nam,” Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Trong năm 2017, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường. Chính vì vậy, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, hỗ trợ tốt cho xuất khẩu.

[Ngân hàng Nhà nước: Đã giữ lãi suất cho vay hợp lý trong năm 2017]

Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá rất tích cực đối với kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam như: Ngân hàng Thế giới đã nâng chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam lên 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN; Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; Bloomberg đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á...

Cũng theo Thống đốc, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,41%. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1%/năm. Tín dụng tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an toàn chất lượng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong năm qua, Thống đốc cho hay, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn 2 được ngành ngân hàng tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó, việc Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 và Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo nền tảng và động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tạo môi trường thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

"Những kết quả đạt được của ngành ngân hàng đã góp phần trực tiếp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53%, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao 6,81%, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam," Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống đốc cũng báo cáo Thủ tướng hệ thống ngân hàng cũng còn một số vấn đề tồn tại và khó khăn, thách thức cần được nghiêm túc nhìn nhận để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức tín dụng chưa nghiêm túc nên vẫn còn xảy ra các vi phạm trong ngành ngân hàng.

Về triển khai kế hoạch trong năm 2018, Thống đốc nhấn mạnh đến hai nhiệm vụ lớn trọng tâm là: Triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cao.

Phát biểu tại hội nghị, điểm lại những kết quả kinh tế-xã hội năm 2017 trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, Thủ tướng ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành ngân hàng.

Nhấn mạnh đến thành tích tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước thời gian qua, Thủ tướng cho rằng chính sách tỷ giá hợp lý giúp tăng nhanh dự trữ ngoại hối đạt 53 tỷ USD, tạo niềm tin, uy tín của Việt Nam cho các nhà đầu tư.

"Kết quả trên nhiều mặt có sự đóng góp quan trọng trực tiếp của hệ thống ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ, với vai trò vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước," Thủ tướng đánh giá.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao chính sách lãi suất được điều chỉnh hợp lý, đã giảm 0,5-1%, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý một số vấn đề cần được ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm xử lý để đạt kết quả tốt hơn, như chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu. Một số tổ chức tín dụng còn thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm trong việc giải quyết hạn chế yếu kém và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh...

Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả để hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt mục tiêu quan trọng năm 2018 và cả nhiệm kỳ.

Tán thành với phương châm 8 chữ mà Ngân hàng Nhà nước đề ra tại hội nghị: Chủ động, an toàn, linh hoạt, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 cũng như trong trung và dài hạn. Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vươn lên với tầm nhìn rộng lớn hơn thực hiện đúng chức năng về điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cho vay công bằng trong khu vực các lĩnh vực của nền kinh tế,” Thủ tướng mong muốn.

Tập trung nguồn lực thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng lành mạnh củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phấn đấu Việt Nam có một số ngân hàng có quy mô ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

Đi liền với đó là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vấn đề rủi ro đạo đức để có biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tối đa những sai phạm do cố ý làm trái gây ra.

Thủ tướng đề nghị phát triển ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số. Chủ động triển khai đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý chặt chẽ các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.