Sáng 11/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc Trung ương” nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Đề án.
Đồng thời, thảo luận, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (GRDP).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết sau 5 năm thử nghiệm và chính thức thực hiện, đề án “Đổi mới quy trình biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của ngành thống kê trong những năm qua.
“Tuy nhiên, do nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng, việc biên soạn chỉ tiêu GRDP cần được tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn để cung cấp bức tranh kinh tế-xã hội khách quan, đầy đủ và xác thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và nhu cầu của người dùng tin khác,” Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 (gọi tắt là Đề án 715) ra đời và đi vào cuộc sống.
Theo đó, năm 2016, Tổng cục Thống kê tiến hành rà soát, tính toán lại số liệu GRDP thời kỳ 2011-2015; tính thử nghiệm GRDP 6 tháng đầu năm và cả năm 2016. Năm 2017, Tổng cục Thống kê chính thức biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương.
Kết quả biên soạn GRDP của các địa phương là một trong căn cứ quan trọng để Tổng cục Thống kê xem xét, đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Kết quả biên soạn GRDP và đánh giá lại quy mô GDP đã mang đến bức tranh đầy đủ, rõ nét hơn về thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả nước.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết kết quả của việc đổi mới, hoàn thiện và thống nhất thực hiện quy trình biên soạn GRDP theo Đề án 715, số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ. Số liệu GRDP đã được hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất quán sử dụng trong quản lý, điều hành và hoạch định chính sách.
[Thống kê Việt Nam kết nối thế giới bằng dữ liệu đáng tin cậy]
Nếu giai đoạn 2011-2015, có 62/63 tỉnh thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10% (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%), giai đoạn năm 2016-2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%.
Nêu lên một số bất cập trong quá trình thực hiện đề án, đại diện cho các địa phương, ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Cần Thơ cho biết, hiện nay, một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập đầy đủ. Hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị che dấu một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế… chưa thống kê được.
Cùng với đó, việc thu thập thông tin đầu vào một số đơn vị đối với Cục Thống kê còn khó khăn như uớc tính các chỉ tiêu thu, chi ngân sách Nhà nước; thu thuế hải quan; hoạt động kinh doanh xổ số.
Thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hạch toán toàn ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty do Tổng cục Thống kê phân bổ, khi lãnh đạo yêu cầu giải trình tăng, giảm thì không có cơ sở giải trình và thời gian dành cho công tác rà soát giá trị sản xuất (GO) và cho ý kiến đóng góp về kết quả GRDP giữa Cục Thống kê với Tổng cục Thống kê quá ngắn không đảm bảo công tác rà soát, đối chiếu hiệu quả nhất…
Để chỉ tiêu GRDP ngày càng chính xác, đầy đủ, kịp thời, có độ tin cậy cao, ông Dương Mạnh Hùng đề xuất các địa phương cần thống nhất sử dụng số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê công bố; nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; đồng thời, nghiên cứu thời gian họp phù hợp với thời gian công bố số liệu GRDP.
Về phía các địa phương, ông Lê Ngọc Bảy đề xuất Tổng cục Thống kê cần công bố số liệu GRDP của Tổng cục Thống kê giữa các kỳ (ước tính, sơ bộ, chính thức) để hạn chế sự chênh lệnh với các địa phương; đồng thời, sớm triển khai Đề án thu thập thông tin thống kê các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và đưa vào tính GRDP để đảm bảo phản ánh đúng, sát quy mô kinh tế của cả nước và của từng địa phương.
Đại diện Bộ Tài chính cũng đề xuất Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động cung cấp số liệu GDP, GRDP cho Bộ Tài chính theo định kỳ để Bộ Tài chính khai thác sử dụng và cung cấp cho các cơ quan tài chính địa phương để phục vụ công tác điều hành, lập kế hoạch, đánh giá tài chính ngân sách nhà nước và địa phương.
“Bên cạnh thông tin về GDP, GRDP, trong giai đoạn tới, đề nghị Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động gửi đầy đủ, kịp thời dữ liệu kinh tế xã hội hàng tháng cũng như những dữ liệu khác theo quy chế phối hợp để phục vụ công tác đánh giá tài chính-ngân sách định kỳ hàng tháng, quý, năm của ngành tài chính. Đồng thời, đảm bảo tính nhất quán về dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước,” đại diện Bộ Tài chính cho biết./.