Xoay quanh việc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng phí sử dụng dịch vụ cho khách hàng cá nhân, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Nếu một ngân hàng cần chi phí để bù trừ cho các chi phí đầu tư thường xuyên thì việc tăng phí sử dụng dịch vụ cũng là điều dễ hiểu."
Theo ông, điều quan trọng là mức tăng thế nào và mức phí ra sao cho phù hợp và nếu ngân hàng tiết kiệm các chi phí hoạt động thì mức phí áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thấp và ngược lại.
Trước đó, cuối tháng 1, Vietcombank đã thông báo về sự điều chỉnh này. Theo đó, từ ngày 1/3, khách hàng chuyển tiền cùng hệ thống Vietcombank qua ứng dụng Mobile Banking sẽ mất phí 2.200 đồng/giao dịch thay vì miễn phí như trước đây. Đồng thời đối với dịch vụ SMS Banking, phí hàng tháng sẽ tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng cùng một số điều chỉnh khác.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng nắm được thông tin này. Do vậy, trong ngày 1/3, ngày đầu tiên áp dụng biểu phí mới này, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự không hài lòng khi nhìn thấy tin nhắn trừ tiền trong tài khoản, đặc biệt là khi chuyển tiền cùng hệ thống.
Chị Anh Nguyễn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: "Tôi thấy việc Vietcombank thu phí chuyển khoản nội mạng đối với khách hàng sử dụng VCB-Mobile B@nking là không hợp lý bởi hàng tháng khách hàng đã phải trả 11.000 đồng phí dịch vụ. Nếu thu phí 2.200 đồng/lệnh chuyển được áp dụng từ ngày 1/3 sẽ kéo theo tình trạng phí chồng phí."
[Vietcombank thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ]
Chị cho rằng, điều này có thể mang lại lợi ích trước mắt cho Vietcombank, nhưng về lâu dài sẽ không khuyến khích được khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ mà ngân hàng này đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan triển khai.
"Việc thu phí này cần có sự dung hòa lợi ích giữa các bên bởi thực tế nhiều cơ quan nhà nước mở tài khoản bắt buộc cho cán bộ công nhân viên tại Vietcombank. Điều này là không công bằng với khách hàng khi họ không có quyền lựa chọn ngân hàng cạnh tranh hơn," chị Anh Nguyễn chia sẻ.
So sánh với các ngân hàng nước ngoài, chị Anh Nguyễn cho hay để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt thì các ngân hàng tại Australia (nơi chị từng có thời gian dài học tập và công tác) như ANZ, Comonwealth, NAB đều không thu phí dịch vụ chuyển tiền nội mạng và ngoại mạng.
Đề cập đến vấn đề này, ông Hiếu cho biết: "Thông thường các ngân hàng nước ngoài không thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống, truy vấn tài khoản, xem số dư..., miễn phí duy trì tài khoản thanh toán, tiết kiệm, trừ thẻ tín dụng thì có mất phí. Song để cung cấp dịch vụ hiệu quả thì khách hàng cũng cần chịu một khoản phí nhất định."
Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Vietcombank cho biết, phí duy trì dịch vụ VCB-Mobile B@nking và VCB-iB@nking chỉ áp dụng khi khách hàng có phát sinh các giao dịch tài chính trong tháng. Hơn nữa, Vietcombank còn áp dụng chính sách ưu đãi miễn phí 1 dịch vụ với khách hàng phát sinh giao dịch tài chính đồng thời cả 2 dịch vụ VCB-Mobile B@nking và VCB-iB@nking trong tháng.
Với trường hợp khách hàng không phát sinh giao dịch tài chính trong tháng (tức là không có giao dịch chuyển khoản, thanh toán phát sinh), Vietcombank áp dụng chính sách ưu đãi miễn phí duy trì dịch vụ để khách hàng có những trải nghiệm hoàn toàn miễn phí dịch vụ, thỏa mãn các nhu cầu chủ động quản lý tài khoản tiền gửi, tiền vay, thẻ tín dụng và đăng ký/thay đổi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và thẻ mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến ngân hàng.
Cũng theo đại diện Vietcombank, phí chuyển tiền liên ngân hàng qua thẻ trước đây được áp dụng với mức thu 11.000 VND/giao dịch thì trên biểu phí mới Vietcombank chỉ thu 7.700 VND đối với các giao dịch dưới 10 triệu đồng. Mức phí này đã bao gồm thuế VAT.
"Đây là những điều chỉnh theo hướng tích cực, linh hoạt hơn cho khách hàng sử dụng", đại diện Vietcombank khẳng định.
Tăng tỉ trọng thu phí hiện cũng là xu thế chung của nhiều ngân hàng nhằm tạo tính bền vững cho ngân hàng và hệ thống, phù hợp với xu hướng của thế giới, tránh tập trung quá nhiều vào thu nhập từ tín dụng.
"Tăng phí dịch vụ góp phần tăng nguồn vốn hoạt động, hứa hẹn khả năng giảm lãi suất của ngân hàng," ông Hiếu lạc quan./.