Thu hơn 6.510 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng đến hết năm 2016

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tính đến hết năm 2016, tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng là trên 6.510 tỷ đồng, bình quân đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Thu hơn 6.510 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng đến hết năm 2016 ảnh 1Tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng thôn bản chủ động kiểm soát và bảo vệ rừng. (Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững,” ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết tính đến hết năm 2016, tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng là trên 6.510 tỷ đồng, bình quân đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Hội nghị do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 24/3.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, số tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời hỗ trợ các công ty lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và người dân miền núi bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006-2010.

Hiện tại đã có hơn 500.000 hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Ngoài ra, đến nay, cả nước đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương.

Đánh giá về hiệu quả của chính sách này, ông Võ Đình Thọ - Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng - cho hay nhờ vận động tích cực nên các đối tượng chi trả môi trường rừng đã đồng thuận cao nên việc thu tiền dịch vụ môi trường rừng của địa phương rất thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa nộp tiền hoặc nộp tiền chậm với số tiền khoảng 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Thọ, diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 420.000ha trên tổng số diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh là trên 513.000ha; trong đó trên 360.000ha đã được chi trả chiếm trên 84%. Với mức chi trả hiện nay bình quân một hộ được thụ hưởng từ 8-12 triệu đồng/năm, giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của cả nước là 14 triệu ha (theo kết quả điều tra thống kê đến năm 2015). Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại hiệu quả bước đầu, nhiều người dân đã có thêm nhu nhập từ rừng. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng tốt hơn.

“Địa phương làm tốt như Lai Châu, kể cả huyện xa nhất như Nậm Lùn, thượng nguồn của sông Đà triển khai chính sách chi trả tốt nên rừng ở đây rất tốt, nhiều người dân bước đầu yên tâm về kinh phí nhận được từ rừng,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra dẫn chứng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những bất cập về rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, đa dạng sinh học suy giảm, hệ sinh thái không còn như trước. Người làm rừng, người trồng rừng chưa thực sự sống được từ rừng tại một số khu vực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề này cần sự đồng lòng của cả xã hội, cả hệ thống chính trị; phải theo nguyên tắc “lấy rừng nuôi rừng,” đó mới là bình đẳng, không thể lấy ngân sách nhà nước ra mãi được. Phải làm sao để người trồng rừng, người làm rừng sống được nhờ rừng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục