Ngày 28/8, thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal đã bác bỏ khả năng phong trào Hồi giáo này giải giáp theo yêu cầu của Israel.
Trong một cuộc họp báo tại Doha (Qatar), ông Meshaal tuyên bố "các vũ khí của cuộc kháng chiến là bất khả xâm phạm" và "không ai có thể tước vũ khí của Hamas", đồng thời không chấp nhận đưa vấn đề đó vào chương trình nghị sự. Thủ lĩnh Hamas khẳng định phong trào này sẽ không ngừng cuộc kháng chiến chống lại Israel cho đến khi tất cả các yêu sách của họ được đáp ứng, đồng thời kêu gọi Ai Cập mở lại cửa khẩu Rafah.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Hamas chưa thực hiện bất cứ yêu cầu nào của Israel khi thỏa thuận ngừng bắn "vô thời hạn" có hiệu lực từ 16 giờ GMT ngày 26/8 vừa qua. Theo thỏa thuận này, Israel sẽ nới lỏng kiểm soát việc vận chuyển hàng cứu trợ và vật liệu xây dựng vào Dải Gaza, cũng như mở rộng khu vực ngoài khơi mà ngư dân Palestine được phép đánh cá. Tuy nhiên, một số vấn đề hóc búa sẽ phải chờ tới khi đoàn đàm phán của các bên trở lại Cairo vào tháng tới, trong đó có yêu cầu của Israel về giải giáp Hamas hay yêu cầu của Hamas về một hải cảng và sân bay cho Gaza, phóng thích tù nhân Palestine.
Trong diễn biến liên quan, hàng cứu trợ thiết yếu đã đổ về Gaza khi khu vực này bước sang ngày thứ hai không tiếng súng. Theo hãng tin AFP (Pháp), từ rạng sáng 28/8, hàng trăm xe tải chở lương thực, nước uống và một số đồ cứu trợ khác đã đi qua cửa khẩu Kerem Shalom. Tuy nhiên, người dân Gaza cho biết điều mà họ thực sự mong đợi là xây dựng lại vô số căn nhà bị phá hủy bởi chiến dịch tấn công ồ ạt của Israel trước đó, song vật liệu xây dựng vẫn chưa được chuyển tới. Theo một nhóm hoạt động nhân quyền của Israel, sự chậm trễ là do quy trình kiểm soát an ninh của nước này đối với vật liệu xây dựng rất chặt chẽ, tốn thời gian và phức tạp.
Cũng trong ngày 28/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức công nhận một nhà nước Palestine độc lập.
Phát biểu trên kênh truyền hình vệ tinh Palestine, Tổng thống Abbas tiết lộ rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó đã chấp nhận việc thành lập nhà nước Palestine trên vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng hồi năm 1967. Ông Abbas khẳng định vấn đề tồn đọng duy nhất sau sự chấp thuận của ông Netanyahu là "vai trò của các nhà đàm phán trong việc xác định biên giới và mỗi bên hiểu rõ phạm vi lãnh thổ của mình."
Theo ông Abbas, một phái đoàn Palestine do nhà đàm phán Saeb Erekat dẫn đầu sẽ đến Mỹ gặp Ngoại trưởng John Kerry vào tuần tới nhằm xác định giải pháp cho vấn đề trên. Ông Abbas cũng tuyên bố sẽ có "điều cần nói và việc cần làm" trong trường hợp Israel từ chối công nhận nhà nước Palestine. Cùng ngày, một thành viên trong ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết PLO đã chuẩn bị kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ quy mô lớn của quốc tế nhằm tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho vấn đề nhà nước Palestine./.