Thu nhập của lực lượng lao động nông thôn tại các quốc gia châu Á đang tăng lên đáng kể trong hơn một thập niên qua, một phần nhờ sự biến động dân số, tình trạng di dân và quá trình cơ giới hóa nông nghiệp.
Trong một báo cáo công bố ngày 2/10, Viện Phát triển hải ngoại (ODI) của Anh cho biết các số liệu thống kê cho thấy mức thu nhập của lao động nông thông tại châu Á đang tăng đều đặn trong nhiều năm qua.
Cụ thể, tại Trung Quốc, thu nhập trung bình cho công nhân nam giới ở nông thôn đã vượt mức 7 USD/ngày hồi năm 2007 so với mức 3,02 USD/ngày của thập niên trước đó.
Trong khi đó, Bangladesh cũng ghi nhận xu hướng tương tự khi thu nhập trung bình của lao động nam giới ở nông thôn tăng từ 1,52 USD/ngày hồi năm 2005 lên 2,21 USD/ngày trong năm 2010.
Theo báo cáo, sự gia tăng thu nhập nói trên bắt nguồn từ một nguyên nhân quan trọng là lực lượng lao động nông thôn đang ngày một ít đi, chủ yếu do làn sóng ly nông - rời bỏ các vùng nông thôn và mưu sinh tại các thành phố lớn - và tỷ suất sinh tại nông thôn có xu hướng giảm mạnh.
Ngoài ra, sự phát triển trong các lĩnh vực sản xuất kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh tại các khu vực đô thị cũng phần nào thu hút lực lượng lao động, khiến họ dần tách khỏi lĩnh vực nông nghiệp.
ODI cũng nhận định thu nhập tại khu vực nông thôn cao hơn cũng hứa hẹn sẽ giúp hàng trăm triệu người châu Á thoát khỏi nghèo đói và cải thiện cuộc sống.
Ngoài ra, thu nhập tại nông thôn tăng cũng đủ đẩy lương cơ bản tại các nhà máy tăng theo, buộc các chủ doanh nghiệp nỗ lực triển khai việc tự động hóa tại các nhà máy cũng như chuyển có sở sản xuất đến các khu vực khác có chi phí lao động thấp hơn, đặc biệt là châu Phi nhiều tiềm năng.
Từ thực tế này, các chuyên gia ODI cho rằng các nước trong "Lục địa Đen" cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để nắm bắt những cơ hội từ làn sóng đầu tư vào khu vực này thông qua việc tăng cường đào tạo lực lượng lao động và nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản./.