Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng trên quan điểm xây dựng luật không chỉ để quản lý mà còn để phát triển, kiến tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Chiều nay, 9/11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm, định hướng xây dựng Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bám sát chủ trương, định hướng, quan điểm xây dựng luật của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, đó là xây dựng luật không chỉ để quản lý mà còn để phát triển, kiến tạo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, trong thời gian qua, dự thảo Luật Nhà giáo đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội và Quốc hội. Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trình bày tóm tắt dự thảo Luật Nhà giáo trước Quốc hội. Sau đó Quốc hội đã có thảo luận ở tổ về các nội dung chính của dự thảo Luật.

Chia sẻ về dự thảo Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh nhà giáo là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì cần phải đổi mới cách quản lý, phát triển lực lượng nhà giáo - lực lượng quyết định tới chất lượng giáo dục và đào tạo.

“Quan điểm là chuyển từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng, chuyển từ quản nhân sự sang quản lý nguồn nhân lực. Chúng ta không chỉ coi nhà giáo là những viên chức mà thực sự là những người thầy, với kiến thức, kỹ năng để truyền đạt, phát triển và truyền bá tri thức, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, để đóng góp vào việc phát triển toàn diện giáo dục, phù hợp với bối cảnh mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ ngyên mới, và đổi mới trong cả hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị nhà trường và tới từng nhà giáo,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sáng nay, phát biểu tại tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Luật Nhà giáo có vai trò rất quan trọng. Ngoài những nội dung Chính phủ chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, cần phải nâng tầm Luật Nhà giáo.

Tổng Bí thư cũng lưu ý chỉ đạo Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng tầm, làm sâu sắc 5 nội dung.

Thứ nhất là quán triệt vai trò có tính chiến lược của đội ngũ nhà giáo.

Thứ hai là làm rõ quan hệ giữa người học và người thầy, cụ thể là đã có học trò là phải có thầy và phải đủ trường, đủ lớp.

Thứ ba là làm rõ và sâu sắc hơn quan điểm người thầy, các nhà giáo cũng là các nhà khoa học, ngoài việc truyền bá tri thức cũng phải tự học, tự nghiên cứu phát triển tri thức để thích ứng với yêu cầu mới.

Thứ tư là yêu cầu về hội nhập quốc tế. Trong Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng đã có nội dung rất quan trọng, đó là từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Người thầy cũng phải có cách tiếp cận để hội nhập quốc tế, phải được trang bị năng lực ngoại ngữ để hội nhập, năng lực số để ứng dụng các công cụ tiên tiến trong giáo dục.

Thứ 5, Tổng Bí thư nhấn mạnh về chính sách với nhà giáo, đặc biệt là chính sách làm sao để nhà giáo phục vụ học tập suốt đời. Người thầy giỏi có năng lực, trình độ cao thì cần có chính sách để các nhà giáo cống hiến không kể tuổi tác. Đặc biệt, cần quan tâm tới chế độ chính sách đối nhà giáo với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, từ đó đóng góp phát triển giáo dục dân tộc vùng sâu, vùng xa và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu nghiêm túc với tinh thần hết sức cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Tổng Bí thư cũng như các đại biểu Quốc hội, của xã hội, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, nâng tầm lý luận của Luật Nhà giáo, trong thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ để có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 sắp tới đồng thời góp phần phát triển đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đóng góp vào phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho hay các nhân viên y tế, kế toán trường học không phải là nhà giáo nên không được hưởng chính sách ưu đãi hiện nay của nhà giáo. Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát và phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Cụ thể, một là sẽ nghiên cứu, đề xuất cho đội ngũ nhân viên trường học được hưởng chế độ phụ cấp nghề phù hợp với vị trí, việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ đào tạo.

Thứ hai là tiếp tục rà soát để đánh giá mức độ phức tạp của vị trí việc làm của nhân viên trường học để làm cơ sở điều chỉnh theo quy định hiện hành, góp phần cải thiện thu nhập.

Thứ ba, để giải quyết khó khăn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, kế toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức và tổ chức theo thẩm quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức, nhân viên trường học theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ này, đồng thời có chính sách đặc thù của từng địa phương hỗ trợ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống để họ an tâm công tác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Trường TH School. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngôi trường hạnh phúc đích thực TH School

Hạnh phúc đích thực tại TH School không chỉ đến từ thành công trong học tập mà còn từ sự trưởng thành trong tính cách, sự tự tin, và lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh.