Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 đã chính thức khép lại với bài thi cuối cùng là tổ hợp Khoa học Xã hội. Kỳ thi năm nay được cả xã hội, nhất là các bậc phụ huynh có con em đi thi rất quan tâm và đều có chung nhận định: Đây là kỳ thi ít áp lực nhất từ trước tới nay cho cả thí sinh, phụ huynh, nhà trường và xã hội.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 về những điểm nổi bật của kỳ thi năm nay.
Thứ trưởng khẳng định cả xã hội đã đồng tình với cách đổi mới về thi cử năm nay. Kỳ thi thực sự đã nhẹ nhàng, giảm áp lực, đạt được mục tiêu đổi mới công tác thi, tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
- Đến nay là 3 năm chúng ta thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác thi năm nay?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tới nay, sau 3 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh, chúng ta đã đạt được những mục tiêu của đổi mới theo tinh thần làm cho kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực tối đa cho xã hội và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đặc biệt, chúng ta đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình thi và tuyển sinh, để làm cho quá trình thi thực sự nhẹ nhàng với thí sinh, xã hội, các nhà trường.
Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 tổ chức thành công đã khẳng định đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh cơ bản đã đạt được. Phương án tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.
- Cụ thể trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 đã có những đổi mới như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, chúng ta có nhiều đổi mới trong đó có những đổi mới rất căn bản.
Đầu tiên, chúng ta tổ chức một loại phòng thi thống nhất ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập một cụm thi ở địa phương với các địa điểm thi. Thí sinh được thi ngay tại tỉnh nơi các em theo học, không phải di chuyển đến các tỉnh, thành phố xa lạ khác nên chắc chắn các em sẽ dự thi với tinh thần tự tin, bình tĩnh nhất. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng tổ chức thi cũng như chất lượng làm bài thi của thí sinh.
Đối với xã hội, trước đây mỗi năm chúng ta tổ chức tới 3 đợt thi (2 đợt thi đại học và 1 đợt cao đẳng). Tổ chức như năm nay, chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn. Nếu tính ba đợt chúng ta có 1 triệu thí sinh phải di chuyển, mỗi thí sinh chi phí 1 triệu đồng thì khoản chi phí tiết kiệm được đã rất lớn.
Năm nay, chúng ta chỉ huy động khoảng 30.000-40.000 giảng viên đại học để bổ sung cho các địa phương, chi phí này ước chừng rất khiêm tốn so với những năm trước đó.
Trước đây, các thí sinh phải di chuyển tới thành phố lớn để dự thi, nhất là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… gây áp lực lớn với cơ sở hạ tầng những nơi này, giao thông ùn tắc, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống quá tải, khó kiểm soát được chất lượng.
[Thi THPT Quốc gia 2017: Giảm tới 75% số thí sinh bị đình chỉ thi]
Năm nay, thí sinh thi tại địa phương, thêm vào đó, thời gian thi thực sự rút xuống chỉ còn 2,5 ngày nên những việc quá tải này không hề diễn ra.
Tiếp đó là đổi mới về hình thức thi. Năm nay chỉ có Ngữ văn là bài thi tự luận duy nhất, còn 4 bài thi còn lại là: Toán, tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học Xã hội thí sinh đều làm bài theo hình thức trắc nghiệm với mức độ các câu hỏi từ dễ đến khó, đảm bảo phân loại được thí sinh khá giỏi.
Năm nay cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).
Điều đặc biệt là các thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội cao hơn bài thi Khoa học Tự nhiên là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình.
Điều này cũng cho thấy các môn khoa học xã hội đã gần gũi hơn với thí sinh, được thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, phòng thi có 24 thí sinh thì mỗi thí sinh có một mã đề riêng biệt. Điều này đảm bảo thí sinh không thể học lệch, học tủ, cũng không thể có gian lận trong thi cử, đánh giá đúng thực lực của thí sinh, tạo niềm tin cho xã hội.
Căn cứ vào kết quả làm bài, có thể phân định rõ những thí sinh đủ tốt nghiệp trung học phổ thông, những thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng…
Nội dung câu hỏi thi bao trùm đã giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Cũng nhờ đó việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan đã từng gây bức xúc không nhỏ trong dư luận xã hội hầu như đã chấm dứt hoàn toàn.
- Có ý kiến cho rằng năm tới nên bố trí lại môn thi tổ hợp để tránh áp lực cho thí sinh. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra khi sắp xếp bài thi tổ hợp đã có tính toán khoa học để thí sinh làm bài được thoải mái nhất, không gây áp lực. Thực tế, thí sinh khi kết thúc mỗi môn thi thành phần đều có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị tinh thần để làm tiếp.
Trước khi quyết định thực hiện bài thi tổ hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thử nghiệm rất nhiều nơi, từ miền núi, đồng bằng, thành phố để căn khoảng thời gian thi trong bao lâu là phù hợp nhất.
Qua đó, Bộ cũng nhận thấy khoảng thời gian 50 phút/môn thi thành phần trong tổ hợp là thời gian phù hợp nhất.
Trong suốt thời gian qua các địa phương tổ chức thi cuối học kỳ, cuối năm học các địa phương cũng tổ chức thi dạng như vậy và các em học sinh cũng làm trong điều kiện thoải mái.
Tất nhiên, một số em học sinh sức khỏe yếu hơn hoặc lúc đó tinh thần không được vững sẽ hơi vất vả, đại đa số đều không có vấn đề gì. Cho nên có thể nói cách thức tổ chức của chúng ta được nghiên cứu rất khoa học, đảm bảo điều kiện làm bài tốt nhất cho thí sinh.
Năm nay là năm đầu tiên chúng ta thực hiện bài thi tổ hợp nên cũng khó tránh khỏi một sơ suất nhỏ dẫn đến phải đính chính 7 mã đề thi ở môn Vật lý trong tổ hợp Khoa học Tự nhiên.
Có 7 mã đề thi Vật lý bị mất chữ do quá trình in ấn, rất may Tổ đề thi phát hiện kịp thời, xử lý nhanh gọn nên không ảnh hưởng đến thí sinh, không gây lãng phí cũng như không làm phức tạp quá trình in sao đề thi...
- Năm nay có 4 bài thi trắc nghiệm,vậy công tác chấm thi sẽ diễn ra như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các em thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm vì công tác chấm thi sẽ đảm bảo chính xác, đúng kết quả của các em. Việc chấm thi đã thành quy chế, khi máy không đọc được bài thi (ví dụ như những chỗ mà các em tô mờ) thì máy sẽ báo lỗi, lúc đó tổ chấm thi (luôn giám sát) sẽ điều chỉnh bằng tay. Còn sau này chấm thi ra kết quả mà các em thấy lệch so với kết quả dự kiến của mình thì có thể làm đơn phúc khảo.
Trong suốt quá trình chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cử các đoàn thanh tra tới các điểm chấm thi để giám sát đảm bảo cho kết quả chấm trung thực, khách quan, đảm bảo công bằng cho thí sinh.
- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng./.