Đối với lịch thời vụ, các địa phương và bà con nông dân cố gắng xuống giống lúa sớm trong tháng 10/2022 đối với khoảng 400.000ha diện tích ở tám tỉnh ven biển để né tránh hạn mặn có thể xảy ra.
Trong tháng 11/2022, tập trung xuống giống hơn 1,1 triệu ha còn lại.
Trên đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vào sáng 22/9 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức.
[TP.HCM và các tỉnh miền Tây lên phương án phòng, chống hạn mặn]
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho biết quan điểm của Bộ trong chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 vẫn dựa vào kinh nghiệm của những năm vừa qua.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay, các giống lúa rất đa dạng: ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Vì vậy, nên ưu tiên lựa chọn cơ cấu giống cho năng suất, chất lượng đáp ứng xuất khẩu; cân đối cơ cấu giống lúa vừa phục vụ chế biến vừa đáp ứng được lợi thế, đáp ứng được phân khúc thị trường.
Cho rằng thời gian gần đây, nông dân đã quan tâm đến giảm lượng giống lúa nhưng vẫn còn cao (trên 100 kg/ha), gây tốn kém chi phí, tiêu tốn nước, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý các địa phương song song tuyên truyền, phổ biến cho bà con nông dân nên chú ý giảm lượng giống, lượng phân bón hóa học, thuốc bảo thực vật.
Hướng đến nâng cao năng suất lúa nhưng phải giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là lượng phân bón.
Theo dõi trong 2 năm vừa qua, khi giá phân bón tăng cao, bà con nông dân giảm lượng phân nhưng năng suất lúa vẫn không giảm và giảm được sâu bệnh. Đây là bài học kinh nghiệm đề nghị các địa phương tổng kết, đánh giá để nhân rộng mô hình.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan khoa học thuộc Bộ tiếp tục theo dõi sát tình hình nguồn nước, cập nhật thông tin dự báo để cung cấp cho các địa phương chủ động phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm trên hầu hết toàn bộ khu vực với khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng vào tháng 10/2022.
Mùa mưa năm nay kết thúc muộn, khả năng phần lớn khu vực kết thúc mùa mưa vào khoảng đầu tháng 12/2022.
Sau đó, mưa trái mùa xảy ra khá nhiều trong những tháng mùa khô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020.
Mặc dù, dự báo tình hình thời tiết vụ Đông Xuân 2022-2023 thuận lợi nhưng các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo người dân không được chủ quan.
Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lượng mưa vụ Đông Xuân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-40%; lượng mưa khu vực Đông Nam Bộ vượt so với trung bình nhiều năm trên 18%.
Như vậy, điều kiện nguồn nước vụ Đông Xuân 2022-2023 ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long tương đối thuận lợi, tuy nhiên, các khu vực ven sông, đê bao thấp sẽ bị ngập úng, đặc biệt lúc gieo trồng và cuối vụ khi lượng mưa lớn.
Riêng khu vực Đông Nam Bộ dự kiến không xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng.
Nhưng khu vực có diện tích cây trồng ngoài vùng công trình thủy lợi phục vụ khá lớn (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp) có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nếu thời tiết diễn biến bất thường như nắng nóng kéo dài và không có mưa.
Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi nhỏ cần đề phòng tình trạng thiếu nước cục bộ giai đoạn cuối vụ Đông Xuân.
Ông Lương Văn Anh cho biết Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam ban hành những bản tin để Ủy ban Nhân dân các tỉnh theo dõi, nhận định nguồn nước theo tháng, theo tuần, đặc biệt những thời điểm triều cường, hạn mặn để khuyến cáo người dân.
Trong mùa hạn mặn năm 2022-2023, các hệ thống thủy lợi phải vận hành và theo dõi sát nguồn nước.
Đối với khu vực Đông Nam Bộ lưu ý năm nay mưa lớn, tích nước tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi vận hành các hồ chứa.
Lưu ý trong xuống giống Đông Xuân 2022-2023, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Bá Hoằng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, người dân nên xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn năm 2015-2016.
Xuống giống lúa Đông Xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Do vậy, đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa-1 màu.
Dự báo ở thời điểm cao nhất xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến bốn tỉnh ven biển (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) với tổng diện tích gần 60.000ha.
Đối với vùng cây ăn quả, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến bốn tỉnh với tổng diện tích gần 43.300ha.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Bá Hoằng khuyến nghị các địa phương có diện tích lúa rơi vào khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, cần chủ động gieo cấy sớm các diện tích không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ.
Các vùng cây ăn quả cần tích trữ nước tối đa vào các mương liếp, ao chứa và các dụng cụ chứa nước nhằm chủ động nguồn nước tưới khi xảy ra các đợt mặn xâm nhập sâu, nồng độ mặn trên hệ thống sông, kênh cao hơn sức chịu mặn của cây ăn quả.
Các địa phương khác tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn nhưng cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước trường hợp diễn biến nguồn nước bất thường xuất hiện.
Đối với cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2022-2023, ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật gợi ý chọn giống lúa phù hợp với từng vùng sản xuất: vùng cách biển từ 20-30km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (90 ngày); vùng cách biển từ 30-70km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90-105 ngày; vùng thượng ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, nếp, một ít giống lúa chất lượng trung bình (giống có thời giạ sinh trưởng 90-105 ngày).
Cơ cấu nhóm giống lúa chính: giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, chống chịu mặn phèn, các giống đặc sản, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt (OM18, OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM7347, IR50404, Nàng Hoa 9...).
Mặc dù, hiện nay đã có nhóm giống chống chịu mặn, nhưng ông Lê Thanh Tùng lưu ý các địa phương cần tuyên truyền cho người dân biết hiện vẫn chưa có giống lúa cải tiến ngắn ngày chịu được mức độ mặn ở mức trên 4‰ mà vẫn cho năng suất ở mức đảm bảo có hiệu quả kinh tế.
Với mức độ xâm nhập mặn như hiện nay, việc chỉ sử dụng giống lúa chống chịu mặn là chưa đủ và hiệu quả. Vì vậy, việc sử dụng giống cho vùng xâm ngập mặn nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu mặn khá, kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trỗ bông.
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ khoảng 1,58 triệu ha, giảm trên 6.100ha so với vụ Đông Xuân 2021-2022; trong đó, vùng Đông Nam Bộ gieo sạ 80.000ha (tăng khoảng 760ha), vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha (giảm trên 6.800ha).
Riêng tỉnh Bến Tre không bố trí gieo sạ vụ Đông Xuân khoảng 10.000ha lúa mà chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp./.