Ngày 14/3, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho rằng việc Mỹ cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson cho thấy Washington "quyết tâm" rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn lời ông Araghchi cho hay những thay đổi nhân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm mục tiêu chuẩn bị để nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết hồi tháng 7/2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Hoặc ít nhất đây là một trong số các động cơ đằng sau quyết định thay thế ông Tillerson.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi nhận định những thay đổi trong nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải điều gì mới mẻ và đây là vấn đề nội bộ của Mỹ. Điều quan trọng với Iran là chính sách của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu cũng như trong quan hệ với Tehran.
Ngày 13/3, Tổng thống Trump đã đột ngột thông báo trên Twitter về quyết định bãi nhiệm ông Tillerson khỏi vị trí Ngoại trưởng Mỹ và đề cử Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào vị trí này.
Người đứng đầu Nhà Trắng không công bố lý do cho quyết định thay đổi nhân sự. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng cho biết việc này nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ với Triều Tiên cũng như các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác.
Tổng thống Trump dẫn những bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong số các lý do khiến ông sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn rút khỏi thỏa thuận này song Ngoại trưởng Tillerson "có ý kiến khác."
Trong khi đó, ông Pompeo từng nhiều lần thể hiện lập trường cứng rắn hơn ông Tillerson liên quan tới Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
[Iran hạ thấp ảnh hưởng việc bổ nhiệm ông Pompeo với vấn đề hạt nhân]
JCPOA được Iran ký kết với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Tới tháng 1 vừa qua, ông Trump ra thời hạn 120 ngày để các nghị sĩ Mỹ và các đồng minh châu Âu tìm cách "sửa đổi" nội dung nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận.
Tổng thống Trump lo ngại rằng một phần của JCPOA sẽ hết hiệu lực vào năm 2026 mà không thể giải quyết chương trình tên lửa của Iran cũng như việc Tehran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Nếu Mỹ rút khỏi, thỏa thuận sẽ sụp đổ khi Tehran cũng từ chối đàm phán lại theo yêu cầu của Washington./.