Phát biểu trên truyền hình ngày 26/2, Thứ trưởng Tài chính Đức Jens Spahn tuyên bố Hy Lạp không thể được giảm nợ vì điều này sẽ khiến các chủ nợ bị thiệt hại.
Theo ông Spahn, Đức cho rằng rất có thể Berlin sẽ đạt được một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về việc không nên giảm nợ cho Hy Lạp.
Quan chức này nhận định vấn đề của Hy Lạp là thiếu sự tăng trưởng hơn là vấn đề nợ và việc giảm nợ cho Athens sẽ gây ảnh hưởng đến các nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Tây Ban Nha, quốc gia đã phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách hà khắc.
Trước đó, IMF, từng cảnh báo sẽ ngừng tham gia chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, cho rằng khoản nợ của nước này quá lớn và IMF không thể tiếp tục giải ngân khoản vay nếu các chủ nợ không giảm cho Athens.
Tuy nhiên, đề nghị này của IMF đã bị Đức, quốc gia đóng góp số tiền lớn nhất cho ngân quỹ của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ tài chính của Eurozone, phản đối.
Ngày 20/2 vừa qua, Hy Lạp và các chủ nợ đã nhất trí về các biện pháp cải cách tiếp theo của Athens nhằm mở đường cho việc nhận được những khoản giải ngân mới trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro.
Hiện Athens đang phải đối mặt với khoản nợ 7 tỷ euro (tương đương 7,4 tỷ USD) đáo hạn vào mùa Hè tới và Hy Lạp sẽ không thể thanh toán được số nợ trên nếu các chủ nợ không hoàn tất việc xem xét để kích hoạt khoản giải ngân mới trong gói cứu trợ thứ ba này.
Hy Lạp đã nhận được gói cứu trợ tài chính thứ ba vào năm 2015, song gói cứu trợ này được giải ngân thành nhiều đợt kèm theo những điều kiện cải cách mà quốc gia châu Âu này phải thực thi.
Hy Lạp sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và buộc phải rời khỏi Eurozone nếu không được "bơm" thêm tín dụng./.