Thủ tướng Anh Boris Johnson phản pháo cam kết tranh cử của Công đảng

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: "Chúng tôi sẽ không làm kế hoạch điên rồ này vì liên quan đến hàng chục tỷ bảng Anh của người đóng thuế khi quốc hữu hóa một doanh nghiệp của Anh."
Thủ tướng Anh Boris Johnson phản pháo cam kết tranh cử của Công đảng ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phản ứng trước cam kết của Công đảng về việc quốc hữu hóa hãng viễn thông BT nếu thắng cử, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15/11 cho rằng đây là "kế hoạch điên rồ."

Phát biểu trên Đài BBC, ông Johnson cho biết: "Chúng tôi sẽ không làm kế hoạch điên rồ này vì liên quan đến hàng chục tỷ bảng Anh của người đóng thuế khi quốc hữu hóa một doanh nghiệp của Anh."

Thủ tướng Johnson đưa ra bình luận trên sau khi Công đảng đối lập cùng ngày cho biết sẽ tiến hành quốc hữu hóa hãng cung cấp điện thoại di động và viễn thông BT lớn nhất Vương quốc Anh, nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 12/12 tới, nhằm cung cấp miễn phí Internet băng thông rộng cho toàn bộ người dân nước này.

Phí nâng cấp cơ sở hạ tầng Internet của Anh sẽ được lấy từ việc tăng thuế đối với các tập đoàn công nghệ như Google của Alphabet, Amazon và Facebook và sử dụng quỹ Chuyển sang Xanh của đảng này.

Công đảng cho rằng với việc thiết lập đường truyền băng thông rộng như là một dịch vụ công, nước Anh sẽ đi đầu thế giới trong sử dụng đầu tư công để làm thay đổi đất nước, làm giảm hóa đơn hằng tháng của người dân, thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện chất lượng sống của người dân nước này.

Theo Công đảng, chi phí quốc hữu hóa BT sẽ do Quốc hội đề ra và được thanh toán nhờ hoán đổi trái phiếu lấy cổ phần.

Liên quan đến chủ đề này, trước đó, Thủ tướng Johnson cũng đã cam kết cung cấp đường truyền băng thông rộng cho toàn bộ các hộ gia đình ở Anh vào năm 2025 với khoản đầu tư 5 tỷ bảng (tương đương 6,40 tỷ USD) nếu đảng Bảo thủ của ông chiến thắng.

[Anh: Công đảng cam kết quốc hữu hóa 1 số đơn vị của hãng viễn thông BT]

Tuy nhiên, BT cho biết chi phí cho việc triển khai đường truyền băng thông rộng miễn phí có thể lên tới 25 đến 30 tỷ bảng.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn Đài BBC, ông Johnson khẳng định sẽ "đảm bảo tuyệt đối" rằng chính phủ của ông không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp Brexit trước cuối năm nay.

Ông nói: "Tôi không muốn gia hạn. Nếu chúng tôi có đa số trong Quốc hội, tất cả những gì chúng tôi cần là thêm 9 ghế nữa, sau đó có thể đảm bảo tuyệt đối không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp Brexit."

Ông Johnson khẳng định nếu có thể thực hiện Brexit vào tháng 1/2020, nước Anh có thể thực hiện lịch trình đã vạch ra về giáo dục, y tế và đầu tư.

Ông cho biết giới doanh nhân đã thất vọng khi Nghị viện từ chối để Brexit diễn ra, và hiện một lượng lớn tiền đầu tư và tăng trưởng đang chờ đợi thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới là giải pháp mà ông Johnson đưa ra nhằm giải quyết thế bế tắc liên quan đến Brexit.

Hiện đảng Bảo thủ của ông Johnson vẫn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và nếu có thể duy trì tỷ lệ ủng hộ như hiện nay, đảng này có khả năng giành thế đa số để thông qua thỏa thuận Brexit và thực hiện ý nguyện của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân cách đây 3 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.