Sau khi đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về việc giữ Anh ở lại "mái nhà chung châu Âu," ngày 20/2, Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu cuộc họp với các bộ trưởng hàng đầu của nước này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nội các về thỏa thuận trên.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Anh đã thông báo cho các thành viên chủ chốt trong nội các về kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày qua tại Brussels (Bỉ) và cho biết sẽ thông báo thời điểm tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh ngay sau đó.
Thủ tướng Cameron tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch vận động được cho là thách thức này với cả "trái tim và tinh thần" để giữ Anh ở lại trong EU, tổ chức mà mà London gia nhập từ năm 1973.
Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng bày tỏ hy vọng sẽ thuyết phục được cử tri Anh tán thành "quy chế thành viên đặc biệt" của Anh trong EU tại cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng Sáu tới.
Trong khi một đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove tuyên bố sẽ vận động cử tri Anh bỏ phiếu ra khỏi EU, Bộ trưởng Tài Chính George Osborne và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May khẳng định sẽ ủng hộ ông Cameron.
Bà May cho rằng Anh nên tiếp tục là thành viên của EU vì lý do an ninh, chống tội phạm và khủng bố, mậu dịch với EU và tiếp cận các thị trường trên toàn cầu là lợi ích quốc gia của Anh.
Thỏa thuận mà Thủ tướng Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng marathon với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ Khu Tài chính London, cũng như "miễn trừ" cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về "một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết."
Tuy nhiên, đối mặt với sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác, Thủ tướng Cameron đã buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ.
Cụ thể, ý định của Anh "đóng băng" phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 4 năm đầu làm việc ở nước này sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh.
Bên cạnh đó, ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà.
Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Những người vận động Anh rời khỏi EU nói rằng thỏa thuận trên chỉ "có những thay đổi rất nhỏ." Thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn cho rằng những thay đổi mà Thủ tướng Cameron đã đàm phán được hầu như chẳng liên quan gì tới những vấn đề mà phần lớn người dân Anh đang gặp phải.
Theo ông Corbyn, ông Cameron đã không làm gì để thúc đẩy việc làm cho người lao động, bảo vệ ngành sản xuất thép hoặc chấm dứt tình trạng trả lương thấp ở Anh.
Về phần mình, ông Nigel Farage, Thủ lĩnh Đảng Độc lập Vương quốc Anh, cho rằng thỏa thuận với EU là không thỏa đáng. Ông này cho rằng nước Anh cần rời EU, kiểm soát chặt biên giới, tự điều hành đất nước và chấm dứt mỗi ngày phải đóng góp 55 triệu bảng cho EU./.